Khai mạc Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Chiều 9/12, Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết diễn ra trong 2,5 ngày, phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận nhiều nội dung liên quan tới thi hành Luật Tổ chức Quốc hội. Cụ thể cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội.

Tại phiên họp này, cùng với việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sĩ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an; Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên...

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội để kịp thời triển khai thực hiện Luật tổ chức Quốc hội là cần thiết. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ cho đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, kế thừa và phát triển những mặt tích cực, ưu điểm quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng tham mưu, giúp việc đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện nay. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có Danh sách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố kèm theo.

Quang cảnh khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Các ý kiến đánh giá việc ban hành Nghị quyết vào thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm kịp thời triển khai Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2016; đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy phục vụ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Các ý kiến tán thành với tên gọi và nội dung dự thảo Nghị quyết, cụ thể hóa Điều 43 của Luật tổ chức Quốc hội, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đánh giá chức năng tham mưu của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cần thiết, quan trọng, các ý kiến của Thường vụ Quốc hội cho rằng nội dung này cần được quy định trong Nghị quyết để Văn phòng có trách nhiệm cao, chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất giúp đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phải nghiên cứu để tổ chức thật gọn và hợp lý. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước thống nhất việc tổ chức biên chế phải gọn nhưng cần căn cứ từ nội dung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương để cân nhắc số lượng biên chế trên cơ sở nội dung công việc của từng Đoàn đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc thực hiện quy định mỗi đoàn đại biểu Quốc hội có một văn phòng sẽ không làm tăng biên chế, vì hiện nay hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội đều đã có văn phòng.

Về cơ chế Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm chánh, phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội như hiện nay, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra nhiều điểm bất cập, trong đó có việc bộ máy văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ “hơi khó tham mưu” việc giám sát tại địa phương, dẫn tới hoạt động giám sát sẽ bất cập, gặp khó khăn. Mô hình Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trực thuộc Văn phòng Quốc hội vừa phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của các nghị viện/quốc hội trên thế giới. Lâu nay, chức danh lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng điều này là không hợp lý. Sự không hợp lý ấy được lý giải, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là phục vụ đại biểu Quốc hội, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội; lương của bộ máy văn phòng này là do Văn phòng Quốc hội cấp. Do vậy, chánh và phó chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phải do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ nhiệm.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ mỗi địa phương sẽ có một Đoàn đại biểu Quốc hội, có 1 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, 1 chánh văn phòng và 1 phó chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh hóa là 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng đại biểu Quốc hội đông, có 2 đại biểu Quốc hội chuyên trách nên bố trí 2 phó văn phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không tổ chức cấp phòng ở Văn phòng Đoàn đại biểu mà tổ chức theo các nhóm chuyên viên để phục vụ các mảng công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội do ông chánh văn phòng điều hành. Số lượng bên chế: Đoàn đại biểu Quốc hội có dưới 10 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá 8 người; Đoàn đại biểu Quốc hội có từ 10 đến dưới 20 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá 10 người; Đoàn đại biểu Quốc hội có từ 20 đại biểu trở lên, biên chế Văn phòng không quá 12 người. Các ý kiến cũng thống nhất kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được bố trí trong kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội cấp.

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sĩ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an.

Ngày mai 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Toàn văn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10 của Chủ tịch Quốc hội
Toàn văn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10 của Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN