Làm rõ nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến đầu tháng 8/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại Hội trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; đã tiếp nhận và trả lời 53 phiếu ghi chất vấn với 74 ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu và khẩn trương trả lời, làm rõ những nội dung mà các đại biểu và cử tri còn băn khoăn theo đúng quy định, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Cụ thể, về công tác chăm sóc người có công tiếp tục được thực hiện tốt, chế độ ưu đãi ngày càng được nâng cao. Hàng năm, Nhà nước dành ngân sách 32 nghỉn tỷ đồng để thực hiện chế độ dành cho người có công; đến nay, 99% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú, phấn đấu đến năm 2020, 100% người có công không thuộc diện hộ nghèo.
Chất lượng đào tạo nghề đã có chuyển biến tích cực với 85% số người học xong có việc làm, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đạo tạo có hiệu quả. Ở nhiều trường nghề, 100% học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao; đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung triển khai các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; xây dựng, trình Chính phủ nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp, trình Thủ tướng Đề án thí điểm đào tạo lại người lao động, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tín hiệu tích cực trong thị trường lao động của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các năm, còn 2,7% năm 2018 so với 7,43% năm 2016. Để có được kết quả đó, bên cạnh nhiều chính sách hướng đến người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tốt việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và các cơ sở kinh doanh vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến đầu năm 2019, Quỹ này đã cho vay tổng số hơn 5 nghìn tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho gần 68 nghìn lao động.
Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số người nghiện ma túy đến thời điểm này là khoảng 230 nghìn người, tăng hơn 5.000 người so với năm 2018. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có chế tài quản lý đủ mạnh đối với người sử dụng trái phép chất ma túy (hiện nay mới chỉ phạt 500 ngàn đến 1 triệu đồng); Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định xử lý đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi.
Cần chuyển các doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm sang cho Cục Thuế hỗ trợ xử lý
Báo cáo tình hình thực hiện tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2018 là hơn 280 nghìn người, tăng 20,75% so với năm 2017 cho thấy hiệu quả đã được phát huy trong việc hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm theo quy định của Chính phủ. Đến nay, số người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là gần 15 triệu người, tăng hơn 800 nghìn người so với năm 2017. Về tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2018, tổng số tiền nợ phải tính lãi của bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 5.000 tỷ đồng.
Bàn về các giải pháp thu hồi nợ, bên cạnh các giải pháp mà Chính phủ đã trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, cần chuyển các doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm sang cho Cục Thuế hỗ trợ xử lý, không nên giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng khác, vì theo ông Dung, khi đã thu được tiền thuế là cũng có thể thu được bảo hiểm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý, tổng số nợ bảo hiểm đó không phải đều do doanh nghiệp phá sản và bỏ trốn. Theo số liệu thống kê, doanh nghiệp phá sản không đóng bảo hiểm là 1.300 tỷ đồng và doanh nghiệp chủ bỏ trốn chỉ có 500 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, cần phải phân định rõ ràng để có giải pháp cụ thể và đề xuất Quốc hội ra Nghị quyết về việc này.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội đã có bước tiến bộ và đổi mới thông qua việc phối hợp với chính quyền các địa phương, các đại lý bảo hiểm xã hội trong việc thu hút sự quan tâm của người dân; việc đầu tư công nghệ thông tin cho ngành Bảo hiểm xã hội thời gian qua rất lớn đã đem lại hiệu quả cao.
Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới, Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt chú trọng công tác phát triển đối tượng và nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất mức hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần đẩy mạnh mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội toàn dân...