Hướng sắp xếp tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội theo khu vực liên huyện

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm các thủ tục thụ hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh minh họa: Mạnh Tú/TTXVN

Năm 2025, bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chuyên nghiệp

Đề án nhằm mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Nguyên tắc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Đề án đưa ra là phải gắn với việc phục vụ người dân, thời gian, chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất; đồng thời gắn với việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Bảo hiểm xã hội cấp huyện để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Việc sắp xếp phải bảo đảm kế thừa, kết hợp với đổi mới, phát triển; tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người dân; tăng bộ phận trực tiếp phục vụ nhân dân, giảm bộ phận gián tiếp. Đồng thời, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp huyện gắn với Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giảm 65 đầu mối cấp phòng

Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2020, ở cấp Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ sắp xếp giảm ít nhất 2 đơn vị đầu mối cấp Ban trực thuộc; kiện toàn, chuyển đổi 1 đơn vị sự nghiệp hiện có thành “Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc Khách hàng” là đơn vị sự nghiệp có chức năng thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng. Cơ cấu lại tạp chí Bảo hiểm xã hội và báo Bảo hiểm xã hội, bảo đảm phù hợp với Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Năm 2019, tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, sẽ giảm 65 đầu mối cấp phòng của 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã trực thuộc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn. Cùng với đó, sắp xếp giảm Bảo hiểm xã hội cấp huyện đối với các huyện thuộc diện phải sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình, đảm bảo đến năm 2021 đạt mục tiêu tinh giản biên chế theo quy định.

Giai đoạn 2021 -2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trực thuộc tại Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh theo hướng mỗi tỉnh giảm 1 đầu mối cấp phòng; đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với tổng biên chế được giao của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2015.

Không để ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Đề án đề ra giải pháp kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của ngành này và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục hiện đại hóa, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị thuộc ngành Bảo hiểm xã hội, số lượng cấp phó của các đơn vị sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng chậm nhất sau 3 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất, số lượng cấp phó của các đơn vị phải bảo đảm đúng quy định.

Tại Đề án này, Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt; tăng cường phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí xác định cấp độ 4 trong đảm bảo an toàn hệ thống thông tin; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tiếp tục hiện đại hóa, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến các quy trình nghiệp vụ, phân cấp quản lý theo hướng đổi mới; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành; phân cấp rõ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, giảm bớt khâu trung gian; ưu tiên bố trí nhân lực để làm chuyên môn nghiệp vụ tại Bảo hiểm xã hội các cấp, nhất là Bảo hiểm xã hội huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức, viên chức tại các đơn vị trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý.

“Đánh giá kết quả tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp huyện, tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo khu vực liên huyện trong giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án nêu rõ.

Theo Đề án này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, tổ chức thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ngành Bảo hiểm xã hội trên địa bàn, không để ảnh hưởng đến việc phục vụ nhân dân.

TTXVN/Báo Tin tức
Cơ hội đoạt giải Cuộc thi 'Viết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế'
Cơ hội đoạt giải Cuộc thi 'Viết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế'

Ngày 8/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi “Viết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2020). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN