Đảng viên phải đi đầu trong chống tham nhũng

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, TP Hồ Chí Minh đã triển khai, tăng cường nhiều biện pháp, phát hiện nhiều vụ án tham nhũng (PCTN), hạn chế thất thoát cho nhà nước. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả.

Kết quả... còn hạn chế

Mặc dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, công tác PCTN tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều hạn chế.

Riêng trong năm 2015, ngành Thanh tra TP Hồ Chí Minh thực hiện 214 cuộc thanh tra tại hơn 400 đơn vị và đã phát hiện sai phạm về kinh tế là hơn 90 tỷ đồng, thu hồi ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ phát hiện được 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khởi tố 3 vụ với 40 bị can. Công tác xét xử phần lớn là các vụ án từ các năm trước với 25 vụ, 105 bị cáo. Kết quả này không phản ánh đúng thực trạng tham nhũng đang ở mức phức tạp và nghiêm trọng. Thống kê của ngành công an cũng cho thấy, trong 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, Công an TP Hồ Chí Minh chỉ thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng, chức vụ với tổng số 463 bị can. Tổng giá trị phạm tội, thiệt hại trên 600 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được trên 40 tỷ đồng, dưới 10%.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, thực tế cho thấy, các vụ án tham nhũng phát hiện sau thường lớn hơn các vụ trước, mức thiệt hại tài sản nhà nước cũng lớn hơn. Trong đó phần lớn vụ tham nhũng là phát hiện từ các vụ án kinh tế, nhưng ngành công an không phát hiện được do đối tượng tham nhũng đều là cán bộ, đảng viên, muốn kiểm tra, giám sát phải được luật cho phép. Trong khi, các bản kê khai tài sản hàng năm nộp về cấp ủy đều cất vào ngăn kéo, các ngành nội chính không tiếp cận được để theo dõi, phát hiện dấu hiệu bất minh nguồn gốc tài sản và thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ diện thành phố quản lý.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ

Một trong những cam kết của ông Nguyễn Thành Phong, khi nhận chức Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh là “TP Hồ Chí Minh kiên quyết chống tham nhũng, sẽ xử lý nghiêm và có sẽ có những giải pháp cụ thể trong công tác PCTN”. Ông Phong cho rằng, trong tình hình hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì, mạnh mẽ hơn, phối hợp tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn. Trước hết, cần phải thực hiện nghiêm các quy định về kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật. Thứ hai, tăng cường kiểm tra, xác minh, thẩm định tính trung thực của các bản kê khai tài sản, thu nhập, trong đó tập trung vào nhóm cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức công tác trong các lĩnh vực, ngành có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao. Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động giám sát của cộng đồng, của các cơ quan báo chí đang được xem là một trong những giám sát có hiệu quả. Thứ tư, xử lý nghiêm việc kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm, vi phạm các quy định về kê khai tài sản, thu nhập.

Về những giải pháp tổng thể trong giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ Chương trình cải cách hành chính trên các lĩnh vực, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động để phục vụ nhân dân có hiệu lực và hiệu quả. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, đảm bảo các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân đều được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật… Đặc biệt, sẽ thực hiện cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN vào thực tế địa phương, nhất là tại xã – phường và các doanh nghiệp, tổng công ty có vốn nhà nước, triển khai phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác PCTN. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận sau thanh tra và chỉ đạo xử lý, kiên quyết thu hồi tiền, tài sản chiếm dụng, thất thoát về cho ngân sách nhà nước…

Để tăng cường hiệu quả của công tác PCTN, mới đây Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện cần tập trung phân tích sâu thực trạng, nguyên nhân để đề ra giải pháp phù hợp cho đơn vị mình; đề cao trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy; đề cao tính gương mẫu, dám chịu trách nhiệm về những yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng ở từng đơn vị; tăng cường kiểm tra, tự phát hiện của từng đơn vị và công tác giám sát của các tổ chức đoàn thể; nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và tính gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong 10 năm qua tại TP Hồ Chí Minh, ngành Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã thực hiện gần 2.500 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội. Qua đó, phát hiện sai phạm kinh tế gần 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 1.100 tỷ đồng, xử lý hành chính 457 tập thể và 1.210 cá nhân, chấn chỉnh công tác quản lý hành chính nhà nước, xử lý kỷ luật 445 trường hợp và chuyển cơ quan điều tra 41 vụ… Qua xử lý, cơ quan thanh tra đã thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước trên 600 tỷ đồng, trên 120.000m2 đất, kiến nghị trên 1.600 trường hợp chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý kỷ luật 344 trường hợp, xử lý hành chính 80 tập thể và 430 cá nhân, xử lý hình sự 33 trường hợp và chuyển cơ quan điều tra 37 vụ…


L.H
Kết luận của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng
Kết luận của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành văn bản thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN