Đảng bộ tỉnh Hậu Giang xác định 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025

Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 12 - 14/10/2020, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Chú thích ảnh
Họp báo thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, chiều ngày 1/10/2020. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Dự kiến có 349 đại biểu chính thức tham dự Đại hội. Đại hội diễn ra với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển” và chủ đề Đại hội là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá”.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025; đóng góp dự thảo văn kiện trình Đại hội; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025, bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh dự kiến xác định ba nhiệm vụ đột phá. Thứ nhất là xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.

Thứ hai là tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.

Thứ ba là thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh tới cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp; thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Văn kiện chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh cũng đề ra các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá; đổi mới công tác vận động quần chúng và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; xây dựng văn hóa và con người Hậu Giang phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm cơ sở nâng cao năng suất lao động và thu nhập bình quân cho nhân dân.

Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 được Hậu Giang đưa ra là: trong nhiệm kỳ kết nạp 2.000-2.500 đảng viên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương; phấn đấu đến năm 2025, số hộ có đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội đạt 82% và số tổ chức cơ sở của các đoàn thể chính trị-xã hội vững mạnh hàng năm đạt trên 85%; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (VIET NAM ICT INDEX) năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu hàng năm, chỉ số PAR INDEX trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người là 77-80 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và III, đến năm 2025 khu vực I còn dưới 22%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn (5 năm) theo giá thực tế từ 99.000-100.000 tỷ đồng...

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hậu Giang đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, đặc biệt nhiều nội dung đạt kết quả nổi bật như công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh; khai thác, sử dụng khá hiệu quả các khu, cụm công nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục khởi sắc, trọng tâm là hạ tầng đô thị; xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng, nhất là cán bộ nữ, trẻ, dân tộc; qua kết quả đại hội cấp cơ sở, tỷ lệ nữ nhiệm kỳ 2020-2025 là 20,46%, tăng 3,46% so với nhiệm kỳ trước.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển khá ổn định; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, nhất là thủy lợi và giao thông; đặc biệt, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết. Sức cạnh tranh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được cải thiện và từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất sạch.

Công nghiệp duy trì đà tăng trên 12%/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được xây dựng, nâng cấp; khai thác tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thương mại, dịch vụ phát triển khá, nhiều trung tâm thương mại đa chức năng, hiện đại đi vào hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ tiếp tục phát triển; an sinh, phúc lợi xã hội, chăm lo gia đình có công với nước luôn được quan tâm và thực hiện kịp thời; tốc độ giảm nghèo nhanh (trên 2%/năm), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Nhiệm kỳ qua, Hậu Giang cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém như công tác chính trị-tư tưởng trong nội bộ và trong nhân dân có lúc chưa hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghị quyết có mặt còn hạn chế, nhất là khâu kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực tiễn. Một số nơi lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW và các quy định về nêu gương chưa chủ động phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình vẫn còn diễn ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng; việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với xây dựng vị trí việc làm còn lúng túng...

Từ ngày 24/2-31/3/2020, tỉnh Hậu Giang hoàn thành tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở. Đến ngày 18/6/2020, tỉnh tổ chức xong 504/504 đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội cấp cơ sở đã bầu 2.834 đồng chí tham gia cấp ủy viên khóa mới, trong đó tái cử là 2.225, ứng cử mới là 608. Ngày 6/6/2020, tỉnh bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở. Đến ngày 31/7/2020, tỉnh đã tổ chức xong 11/11 đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội cấp trên cơ sở đã bầu 401 đồng chí tham gia cấp ủy viên khóa mới, trong đó tái cử là 319, ứng cử mới là 82.

Duy Ba (TTXVN)
Hậu Giang tổ chức sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước
Hậu Giang tổ chức sâu rộng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Ngày 26/9, tỉnh Hậu Giang tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN