Dân vận chính quyền góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước

Thực hiện kế hoạch giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ về việc phối hợp thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2019”, công tác dân vận chính quyền chú trọng trong xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài.

Qua đó, công tác dân vận tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Nhân dịp này, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh trả lời phỏng vấn TTXVN về đánh giá hiệu quả công tác dân vận chính quyền và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

Chú thích ảnh
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Ngọc Anh. Ảnh: TTXVN

Xin đồng chí cho biết, những kết quả nổi bật đã đạt được trong “Năm dân vận chính quyền” 2019 so với năm 2018?

Thực hiện 6 nội dung trong quá trình thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2019", các cơ quan đã quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với công tác dân vận, trọng tâm là công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Công tác dân vận chính quyền năm 2019 được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ các cấp trung ương đến cơ sở, qua đó tạo bước chuyển biến thực chất về nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận. Các cơ quan nhà nước tăng cường công tác thể chế, cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt những chủ trương liên quan đến cuộc sống, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. 

So với năm 2018, công tác dân vận chính quyền năm 2019 tập trung phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ tài, đủ tâm nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Những hoạt động thiết thực đã tăng cường sự đồng thuận trong toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Điểm nhấn trong năm 2019 còn được thể hiện qua việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác cải cách hành chính, sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Công tác thực hành dân chủ công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quán triệt thực hiện đồng bộ; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân. 

Nhiệm vụ trọng tâm "Năm dân vận chính quyền" nhằm tập trung vào công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tiếp dân của người đứng đầu chính quyền các cấp. Nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm giải quyết tốt hơn đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người dân, nhất là khiếu kiện phức tạp đông người, kéo dài, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Những kết quả tích cực trong công tác dân vận của chính quyền đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua.

Xin đồng chí đánh giá cụ thể hiệu quả của việc thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm - xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài trong năm 2019?

Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 28.428 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,2%, trong đó có 21.202 vụ việc khiếu nại, đạt 85,5% và 7.226 vụ việc tố cáo, đạt 88,3%. Qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân hơn 205 tỷ đồng và hơn 24 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho gần 1.900 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người, chuyển cơ quan điều tra 20 vụ và 26 đối tượng. 

Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với các tỉnh, thành tăng cường công tác thông tin, nắm bắt tình hình nhân dân, đặc biệt đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài. Đến nay, 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giải quyết các vụ việc, trong đó nhiều tỉnh, thành có những giải pháp quyết liệt, phù hợp, hiệu quả trong quá trình giải quyết các vụ việc, tiêu biểu như Bắc Ninh 11/11 vụ; Hải Phòng 8/8 vụ; Lào Cai 8/8 vụ; Bắc Giang 11/15 vụ; Phú Thọ 4/4 vụ; Thanh Hóa 4/4 vụ... 

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1849/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng, kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết 35 vụ việc.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét đầy đủ, thấu đáo nội dung khiếu nại, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, nguyên nhân công dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất vụ việc, tổ chức đối thoại công khai, giải quyết trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Các cơ quan thẩm quyền đã có những hoạt động thiết thực, tránh hình thức, đi sâu sát đời sống nhân dân, qua đó ổn định tình hình an ninh, trật tự, tạo điều kiện Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong tôn giáo cùng tham gia giải quyết, trao đổi, tạo đồng thuận hướng giải quyết vụ việc.

Qua thực tế triển khai “Năm dân vận chính quyền 2019" cần có những lưu ý gì nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thưa đồng chí?

Thực tiễn công tác dân vận trong suốt 70 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, định hướng cho công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”.

Vận dụng lời Bác, trong năm 2019, công tác dân vận chính quyền đã được triển khai và thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương, được xác định là nhiệm vụ chính trị của chính quyền các cấp trong tình hình mới, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong nhân dân, phát huy quyền và lợi ích hợp pháp, quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng từng địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm hạn chế trong công tác dân vận chính quyền. Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò quan trọng của công tác dân vận chính quyền; còn biểu hiện xem nhẹ công tác dân vận, chủ yếu dùng mệnh lệnh hành chính; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn lãng phí, để xảy ra sai phạm; một bộ phận người dân đời sống còn nhiều khó khăn chưa tiếp cận được chính sách có hiệu quả; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. 

Thêm vào đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập; thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm; cải cách thủ tục hành chính một số lĩnh vực chất lượng chưa cao. Tình trạng ủy quyền cho cấp dưới công tác tiếp công dân vẫn còn diễn ra, trong khi đó việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số địa phương còn chậm, quá thời hạn quy định, gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp còn tồn tại; việc cập nhật dữ liệu về tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa liên thông giữa các cấp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ nhất là đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người; công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. 

Trọng tâm công tác dân vận 2020 sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Lai Châu cùng bà con nhân dân mở đường vào bản. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN

Thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, trong năm 2020, Ban Dân vận Trung ương phát động “Năm dân vận khéo 2020” trong hệ thống chính trị với nhiều hoạt động và nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, “Năm dân vận khéo 2020” nhằm tăng cường công tác vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại nhân dân, nhất là trong công tác xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, kiến nghị của công dân tiếp tục được được tăng cường; kịp thời nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trong cộng đồng; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Liên quan đến nhiệm vụ đổi mới công tác nắm bắt tình hình nhân dân, Ban Dân vận Trung ương triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong hệ thống công tác dân vận. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng nhằm tăng cường công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng tập hợp, phản ánh, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân; vận động nguồn lực xã hội chăm lo cho người nghèo; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

Xin cảm ơn ông!

Diệp Trương/TTXVN (thực hiện)
Di dời dân ở khu vực kinh thành Huế phải trở thành kiểu mẫu về công tác dân vận
Di dời dân ở khu vực kinh thành Huế phải trở thành kiểu mẫu về công tác dân vận

Chiều 18/12, tại thành phố Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác dân vận và thực hiện “Năm Dân vận chính quyền” năm 2019, do Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN