Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra mắt Đại hội. Ảnh: TTXVN |
* Đại hội Đổi mới lần hai Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, từ một nước nghèo đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Thành quả đó tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn.
Kế thừa và phát huy các nghị quyết Đại hội Đảng trước đây, các văn kiện đại hội lần này chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng mới, xác định lộ trình, mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa đất nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Trong đó, Đảng ta xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Văn kiện Đại hội đã xác định những nội dung quan trọng về bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Nhấn mạnh mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, báo cáo chính trị tại Đại hội xác định rõ: Cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, được nêu ra từ Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh quá trình này trong thời gian tới, cần kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng và phát triển văn hóa, con người; quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong đó, mục tiêu trọng yếu của quốc phòng an ninh là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ưu tiên cao nhất trong thực hiện đường lối đối ngoại là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Tại đại hội lần này, công tác xây dựng Đảng được đề cập ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề của báo cáo Chính trị, là nhiệm vụ đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ, cho thấy Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, Đại hội xác định phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
* Tâm huyết, trí tuệ Đại hội XII đã tập trung cao nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. 26 triệu lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần xây dựng và hoàn thiện các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Tại Đại hội lần này, với hơn 30 ý kiến tham luận tại Đại hội và 668 ý kiến phát biểu tại các đoàn, các đại biểu tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí tuệ vào việc hoạch định đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. Trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường; thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia; tích cực cải cách, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo để cải thiện năng suất lao động.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược vẫn là tiền đề để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Chia sẻ về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, có đại biểu nêu vấn đề, cần xem xét, hài hòa giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Đối với những địa phương còn khó khăn cần tập trung phát triển theo chiều rộng để thu hút mọi cơ hội đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế bảo đảm an sinh xã hội. Các tỉnh, thành phố đã có quá trình công nghiệp hóa nhanh cần dứt khoát chuyển sang phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tăng trưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
* Dân chủ - Đoàn kết Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng là một nội dung đặc biệt quan trọng. Đa số đại biểu đánh giá công tác này đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XII - một tập thể đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Việc chuẩn bị cho 3 độ tuổi rất khoa học và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính dân chủ và tập trung. Theo đại biểu Lê Hữu Quý (Ninh Bình), sự chuẩn bị về hồ sơ, điều kiện phục vụ đại biểu để xem xét lý lịch của các nhân sự đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII rất chu đáo. Các đại biểu được tiếp cận với các hồ sơ nhân sự dễ dàng; không khí thảo luận sôi nổi và dân chủ được thể hiện rất rõ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc các nhân sự không nằm trong danh sách của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử, khi Đại hội giới thiệu đã chủ động xin rút, thể hiện tính Đảng rất cao. Đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá đó là sự tôn trọng tổ chức của mình. Ban Chấp hành Trung ương là một tổ chức ở cấp cao cho nên tính kỷ luật, tính tổ chức rất chặt chẽ. Khi mà cả tổ chức đã giới thiệu thì phải đa số; nếu không được giới thiệu, việc xin rút là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc sinh hoạt trong tổ chức Đảng, tức là thiểu số phục tùng đa số và tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Trên cơ sở tính toán, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, Đại hội quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm 200 Ủy viên, trong đó có 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Tâm đắc với công tác nhân sự lần này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chuẩn bị công phu, bài bản, đại biểu Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII mà Đại hội đã quyết định là hợp lý, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một số ngành, lĩnh vực tăng thêm số lượng Ban Chấp hành, đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chú trọng vào những ngành quan trọng của đất nước. Nhiều đại biểu tham dự Đại hội cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có cơ cấu hợp lý, chất lượng, vừa có những đồng chí dày dặn kinh nghiệm, vừa có những người trẻ, những nhân tố mới.
Đánh giá về kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đại biểu Vũ Ngọc Hoàng, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, kết quả này là thể hiện tinh thần dân chủ, sự thống nhất ý chí, sự quan tâm đến vấn đề kế thừa và trong sạch của bộ máy, thể hiện sự đổi mới và trẻ hóa cán bộ.
Dân chủ trong sinh hoạt Đảng, dân chủ ở Đại hội có những tiến bộ mới so với trước đây. Đại hội đã giới thiệu những người không có danh sách đề cử, đó là bước mở rộng dân chủ. Phần lớn nhân sự do Trung ương giới thiệu đã được Đại hội chấp nhận, chứng tỏ sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, có tính hợp lý. Ban Chấp hành khóa mới có sự đổi mới về thành phần so với Ban Chấp hành khóa cũ. Phần lớn các tỉnh, thành phố đều có đại diện tham gia Trung ương thể hiện tính đại diện để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương.
Trong Đại hội, việc tái đắc cử và không tái đắc cử là hết sức bình thường. Các bộ, ngành không có lãnh đạo là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ xem xét, quyết định.
Các đại biểu tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đoàn kết, nhất trí thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
* Tin tưởng và kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của dư luận trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Đăng Hải đánh giá Đại hội lần thứ XII của Đảng có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh đất nước và dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trong không khí dân chủ, thẳng thắn và cởi mở, người dân đặt trọn niềm tin vào Đại hội.
Từ thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, Thượng úy Huỳnh Kim Linh, Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Nhà giàn cho biết cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/15 những ngày qua luôn hướng về Đại hội Đảng XII và tin tưởng vào sự thành công của Đại hội.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thu hút sự quan tâm của truyền thông nhiều nước. Với tiêu đề “Đại hội lần thứ XII”, đăng trên mục “Xin chao” của báo “Rincon de Orinoco” (Venezuela), nhà báo Angel Miguel Bastidas nhận định Đại hội lần này là một sự kiện chính trị quan trọng, đưa ra những quyết sách lớn và kế hoạch xây dựng đất nước Việt Nam trong 5 năm tới, với mục tiêu tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, chuyên trang về Việt Nam gồm 4 bài viết và ảnh nói về sự kiện trọng đại này của Việt Nam. Tờ báo nêu rõ Đại hội Đảng lần thứ XII là đại hội của tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và quyết tâm thúc đẩy toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới, phát triển nhanh và bền vững.
Theo Resumen Latinoamericano, đổi mới là một chủ trương sáng suốt và đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo bài báo, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định duy trì vai trò trung tâm của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ chủ quyền, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển.
Ông Carlos Alzugaray, cựu Đại sứ Cuba tại nhiều nước Liên minh châu Âu, đồng thời là nhà ngoại giao và nghiên cứu quan hệ quốc tế kỳ cựu của Cuba cho biết trong số các văn kiện chính thức của Đại hội mà ông có dịp tham khảo, ông nhận thấy rõ nét một tinh thần tích cực đổi mới thay đổi theo hướng bảo đảm cân bằng xã hội, bất chấp bối cảnh quốc tế khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo ông, Việt Nam có một lợi thế là kinh nghiệm mà các thế hệ lãnh đạo Đảng đã tích lũy qua nhiều giai đoạn đấu tranh khác nhau. Một bài học rất đáng quý từ Việt Nam là trong hạt nhân của sinh hoạt Đảng, luôn có tranh luận dân chủ và lãnh đạo Đảng luôn sẵn sàng đối thoại với nhân dân về việc thực thi những đường lối, chủ trương của Đảng. Ông Alzugaray cũng bày tỏ sự ấn tượng với cách thức Việt Nam đã thể chế hóa mô hình ra quyết sách dân chủ trong Đảng, cho rằng đây là yếu tố rất đáng chú ý trong Đại hội lần này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Algieria, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Algeria, ông Phạm Đỗ Nhật Quang, đang sống và làm việc tại thành phố Anaba, cho biết, cộng đồng người Việt luôn theo dõi sát sao diễn biến của Đại hội XII, đồng thời bày tỏ tin tưởng Đại hội Đảng sẽ thành công tốt đẹp, bầu ra được ban lãnh đạo mới có đức, có tài, vì nước vì dân, đưa ra được những quyết sách đúng đắn để đưa Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, có những chính sách quan tâm hơn nữa tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hoàng Đình Thắng nhấn mạnh: "Đại hội Đảng lần thứ XII là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với đất nước và sẽ đưa ra định hướng cho sự phát triển của đất nước, khẳng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn mới. Nhân dân Việt Nam ở trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài rất trông đợi vào sự thành công của Đại hội Đảng. Cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc tin tưởng Đại hội thành công tốt đẹp và Ban lãnh đạo mới là những người có tài, có đức”.