Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ các doanh nghiệp Armenia và Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng các đại diện của 60 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, viễn thông, dệt may, giao thông…
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu thăm chính thức Armenia; khẳng định chuyến thăm là động lực đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia, kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, cần được thúc đẩy và khai thác mạnh mẽ với quy mô lớn hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghệ cao… Tọa đàm là cơ hội để hai bên cùng trao đổi và thảo luận các biện pháp nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp Armenia và Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Armenia không chỉ nhằm củng cố quan hệ chính trị, nghị viện, mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - lĩnh vực mà cả hai quốc gia đều có tiềm năng to lớn để cùng nhau khai thác.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác hoàn thiện thể chế, coi đây là “đột phá của đột phá” với việc nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện nhiều luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… đảm bảo phù hợp và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, qua đó giúp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy hoạt động giao lưu, thương mại với nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 của Việt Nam đạt trên 7%. Về môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư đánh giá tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gợi mở một số định hướng cụ thể để doanh nghiệp hai nước xem xét và hợp tác trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Armenia được biết đến như một "Thung lũng Silicon" của khu vực với ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, trong khi Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Chủ tịch Quốc hội khuyến khích các doanh nghiệp hai bên hợp tác phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI) và giải pháp công nghệ cho giáo dục, y tế, quản lý đô thị thông minh.
Về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cà phê, hạt điều, thủy sản... trong khi Armenia có thể chia sẻ kinh nghiệm về chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là rượu vang và trái cây sấy khô. Hợp tác trong lĩnh vực này không chỉ tăng kim ngạch thương mại mà còn đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp hai bên cùng nghiên cứu, đầu tư vào các dự án năng lượng Mặt Trời, điện gió và thủy điện nhỏ, tận dụng công nghệ tiên tiến của Armenia và nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam.
Để thúc đẩy, làm sâu sắc, toàn diện và hiệu quả hơn hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước với trọng tâm là đầu tư và thương mại, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu hai bên tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Armenia thường xuyên có các cơ hội trao đổi, tìm kiếm và khai thác các cơ hội hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng và nhu cầu.
Hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, nhằm củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Armenia tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và mong muốn Armenia là cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với các nước khu vực kinh tế Á - Âu.
Quang cảnh cuộc gặp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ, ngành, hiệp hội phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy trao đổi, hợp tác theo nguyên tắc “cùng có lợi, cùng thành công”, trên cơ sở bổ trợ cho nhau, giúp các doanh nghiệp hợp tác sâu sắc và toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng khai thác thị trường của nhau và thị trường khu vực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, phù hợp quy định pháp luật. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp hai nước chủ động kết nối, tìm hiểu, chia sẻ thông tin để có những kế hoạch, dự án hợp tác đầu tư hiệu quả, hỗ trợ cùng khai thác thị trường của nhau, cũng như mở rộng khai thác thị trường khu vực ASEAN và khu vực Trung Á với rất nhiều tiềm năng, dư địa.
Đại biểu dự cuộc gặp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật để các doanh nghiệp Armenia hợp tác đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam”.
Trong không khí thẳng thắn, cởi mở, tại Tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã chia sẻ những hướng đi cụ thể nhằm biến tiềm năng thành kết quả thực chất, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc. Các doanh nghiệp Armenia cho rằng, mặc dù xa nhau về mặt địa lý nhưng hai nước có nhiều điểm tương đồng. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam và Armenia không ngừng thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Đó chính là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực thế mạnh của hai bên. Doanh nghiệp Armenia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực cùng có thế mạnh như dệt may, du lịch… nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đem lại lợi ích chung cho hai nước.
Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Tô Ngọc Giang phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Vũ Dung
Ông Tô Ngọc Giang, Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đánh giá thị trường Armenia sở hữu tiềm năng phát triển dài hạn. Năm 2024, lượng hành khách giữa Việt Nam và Armenia đạt 826 lượt, tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng chỉ bằng 30% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Hiện chưa có đường bay thẳng giữa hai quốc gia, hành khách chủ yếu nối chuyến qua Doha và Dubai trên các chuyến bay của Qatar Airways và Emirates.
Trước những tiềm năng và cơ hội của thị trường Armenia, Vietnam Airlines đang theo dõi sát sao các diễn biến và nhu cầu thực tế để nghiên cứu, khai thác các đường bay phù hợp trong tương lai. Thông qua tọa đàm, Vietnam Airlines mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của quan hệ hợp tác Việt Nam – Armenia, mang lại những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Vũ Dung
Nhận định về cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế trong lĩnh vực thương mại, khoa học công nghệ, than, khoáng sản giữa Việt Nam - Armenia, ông Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - khẳng định tập đoàn tin tưởng vào những hiệu quả thiết thực từ quá trình tìm hiểu, giao thương đã được Chính phủ hai nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham dự buổi tọa đàm này. Tọa đàm giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Armenia tìm hiểu cơ hội và tiềm năng hợp tác để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển, xứng tầm với tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế của hai quốc gia.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam mong muốn tìm kiếm thêm các đối tác để hợp tác trong các lĩnh vực khai thác than, khoáng sản, công nghệ sản xuất xanh. Ông Nguyễn Anh Tuấn hy vọng doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông minh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Vũ Dung
Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến, chia sẻ, trao đổi, đề xuất rất cởi mở về các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước Việt Nam và Armenia. Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy những thành quả hợp tác đã đạt được để có thể tận dụng, khai thác hiệu quả những dư địa, mở ra cơ hội hợp tác mới, phát huy tối đa thế mạnh của mỗi nước.
Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước tận dụng và triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó Armenia là thành viên, để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, gia tăng xuất nhập khẩu, tăng cường mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng cao hơn nữa trong các năm tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
* Sáng 2/4 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Armenia, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của dân tộc Armenia anh hùng.
Ghi sổ vàng lưu bút, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn viết: “Qua từng hiện vật, tôi cảm nhận sâu sắc bề dày truyền thống, tinh thần bất khuất và bản sắc độc đáo của đất nước Armenia qua hàng nghìn năm lịch sử. Chuyến thăm này không chỉ là cơ hội để tôi tìm hiểu thêm về Armenia mà còn là dịp để thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và Armenia - mối quan hệ được xây đắp bởi sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và những giá trị chung về hòa bình, phát triển”.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với nền tảng lịch sử vững chắc và khát vọng vươn lên, hai dân tộc sẽ tiếp tục cùng nhau viết nên những chương mới trong hợp tác và đoàn kết.