Chủ động, kỹ lưỡng để có những dự thảo luật chất lượng

Ngay tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới, Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước đã định hình rõ nét, khẳng định quyết tâm chính trị trong đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, trọng tâm là công tác lập pháp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định "Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh...". Cụ thể hóa tinh thần của Đại hội XIII,  ngay tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới, Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước đã định hình rõ nét, khẳng định quyết tâm chính trị trong đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động, trọng tâm là công tác lập pháp.

Chú thích ảnh
Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp để chuẩn bị cho việc triển khai hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, một trong những yêu cầu nhiệm vụ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là "Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước…". Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có công tác lập pháp là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Lĩnh hội những định hướng cụ thể của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay trong phát biểu nhậm chức hay chỉ đạo tại các cuộc họp, làm việc với các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập sâu sắc nội dung đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XV với trọng tâm là công tác lập pháp.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, phải nâng cao chất lượng công tác lập pháp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, người đứng đầu. Nhấn mạnh: Mục tiêu mà Quốc hội luôn luôn theo đuổi là phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi và đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phục vụ đất nước phát triển bền vững cũng như hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải khắc phục cho được tình trạng "luật khung", "luật ống", nhưng cũng phải khắc phục cho được xu hướng quy định quá chi tiết, đóng cứng trong luật cả những vấn đề thực tiễn chưa rõ, làm cho "tuổi thọ" của luật không lâu.

Tư tưởng đổi mới quyết liệt trong công tác lập pháp tiếp tục được triển khai mạnh mẽ tiếp sau đó. Để chuẩn bị cho các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 diễn ra vào cuối năm nay, trung tuần tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch đã dành trọn một ngày làm việc với Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội về việc thẩm tra các dự án luật này. Đây là các dự án luật sẽ "mở hàng" cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 2. Với quan điểm “Quốc hội phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhiều vòng cho ý kiến..." của người đứng đầu Quốc hội, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội đã đưa ra các định hướng lớn nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng luật có "tuổi thọ" ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chiều 18/8/2021, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ hai. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV mới đây, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) - sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là cơ hội để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện lời hứa, hiện thực hóa chương trình hành động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp. 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nâng cao chất lượng công tác lập pháp phải gắn với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương về công tác lập pháp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan, việc chuẩn bị, trình và thẩm tra các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, từ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này, công tác lập pháp phải khắc phục được tình trạng "luật ống", "luật khung" và quy định cứng, chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ khiến luật chưa sửa xong đã thấy bất cập, dẫn đến "tuổi thọ" của luật thấp. Đồng thời, khắc phục được tính chồng chéo, trùng lặp giữa các quy định của pháp luật.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, một trong những hệ thống văn bản pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến phạm vi rất lớn, tính phức tạp và độ khó rất cao, chuyên sâu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013. Buổi làm việc này tiếp tục khẳng định quan điểm của Chủ tịch Quốc hội về siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp, nâng cao chất lượng xây dựng luật với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, đồng hành cùng Chính phủ, không “ngồi chờ” thụ động.

Để tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ý kiến của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân các ngành, các cấp một cách thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đặc biệt là phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chú thích ảnh
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì phiên họp thường trực mở rộng của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ngày 27/8/2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các Ủy ban của Quốc hội đã bắt tay ngay vào công tác thẩm tra các dự án luật phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội trong các kỳ họp tiếp theo. Mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Các ý kiến đưa ra ngay trong lần thẩm tra đầu tiên đều yêu cầu sửa đổi Luật Điện ảnh phải quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; các chính sách đề xuất mới cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ...

Sự quyết liệt đổi mới ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ khóa XV với những bước đi bài bản, chắc chắc đã tạo tiền đề vững chắc để đổi mới toàn diện công tác xây dựng pháp luật - một trong ba chức năng đặc biệt quan trọng của Quốc hội.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng công tác lập pháp, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước
Quốc hội khóa XIV: Nâng cao chất lượng công tác lập pháp, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước

Quốc hội khóa XIV (2016-2021) tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Quốc hội khóa XIV đã thông qua 72 luật, 135 nghị quyết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 pháp lệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN