Quốc hội nghe ba báo cáo quan trọng và cho ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Ngày 24/3/2021, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh khai mạc kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trước phiên khai mạc kỳ họp, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội họp phiên trù bị dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11 và Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Phiên khai mạc kỳ họp đã diễn ra tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Tham dự phiên khai mạc có đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các đồng chí Lãnh đạo, nguyên là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV; đại diện Lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 11 là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV. Đến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những thành quả đạt được trong cả nhiệm kỳ. Suốt chặng đường gần 5 năm qua, Quốc hội đã nỗ lực, đoàn kết cùng Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thành trọng trách được giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

“Kỳ họp này là dịp để chúng ta đánh giá, nhìn nhận lại những thành tựu, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và các mặt công tác khác, từ đó phân tích rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới. Có thể nói, đây là kỳ họp mang tính cầu nối, góp phần vào việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau nội dung này, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. 

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong phiên họp chiều, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. 

Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là những thách thức lớn chưa từng có về thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động. Kết quả đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Báo cáo nêu rõ, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình; có ý kiến đại biểu đề nghị duy trì biện pháp này và bổ sung quy định để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, tạo điều kiện cho tất cả những người nghiện ma túy lần đầu đều có thể được cai nghiện tự nguyện, nhất là người khó tiếp cận cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Đồng thời, việc này thể hiện trách nhiệm và huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng đối với người nghiện ma túy.

Thảo luận về dự luật, các đại biểu cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ; kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; cơ sở cai nghiện ma túy; chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; văn phong, kỹ thuật xây dựng văn bản… 

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

TTXVN/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 24/3/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN