Đa số đại biểu nhất trí, trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới, đòi hòi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là cần thiết.
Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV sáng 14/6. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ý kiến là cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân; việc chính quy hóa Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân.
Đại biểu kiến nghị quy định quân hàm gắn với chức vụ Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng như Luật Công an nhân dân hiện hành để bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã được cấp có thẩm quyền chỉ đạo sát sao trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014; đồng thời, để tạo thuận lợi trong quá trình giám sát, kiểm tra thi hành Luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị cân nhắc gắn quy định về quân hàm với chức vụ để hạn chế, dần dần hướng đến bãi bỏ tình trạng phong quân hàm không gắn liền với chức vụ, đồng thời "tránh thực trạng nâng quân hàm với quy trình cứ đến hẹn lại lên" - theo lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
"Chính bản thân tôi đã chứng kiến ở Hà Nội, có đồng chí đội trưởng mang quân hàm đại úy nhưng cấp dưới lại có mấy đồng chí quân hàm thiếu tá, trung tá thì anh em ở đấy cũng rất tâm tư" - đại biểu nêu ví dụ và đề nghị cần khắc phục thực trạng trên trong quy định của dự thảo Luật.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Công an là đơn vị tiên phong đi đầu trong xóa bỏ cấp trung gian.
"Có thể nói đây là sự thay đổi mang tính lịch sử, triệt để và sâu rộng. Với việc sắp xếp bộ máy như vậy thì việc sửa đổi Luật Công an nhân dân là tất yếu, khách quan nhằm giúp cho lực lượng Công an nhân dân nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Với tư tưởng nhất quán của Bộ, việc sắp xếp, tổ chức bộ máy nhưng không bỏ chức năng, nhiệm vụ nào, không làm tăng thêm biên chế, và không làm tăng thêm chế độ, chính sách. Trong một thời gian ngắn, Bộ Công an đã khẩn trương chuẩn bị dự án Luật trình Quốc hội đầy đủ và thuyết phục.
Đây cũng là dự án Luật đầu tiên mà Quốc hội cho nghiên cứu, thảo luận khi Bộ Công an tổ chức kiện toàn bộ máy" - đại biểu Cầu nói, đồng thời mong muốn các đại biểu Quốc hội vừa hết sức thận trọng, cân nhắc chắc chắn, chặt chẽ, vừa động viên, khích lệ, ủng hộ, tạo sự lan tỏa để Bộ Công an, cũng như các bộ, ngành khác tiếp tục công việc đổi mới bộ máy mà đại biểu Cầu cho rằng là "rất đụng chạm, rất nhạy cảm và khó khăn này".
Ủng hộ việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lý giải, theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương với Cục trưởng, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên cấp Thứ trưởng.
"Nếu hai cấp bậc hàm này vênh nhau thì rất khó thực hiện việc luân chuyển, bổ nhiệm, thực hiện chế độ chính sách" - đại biểu phân tích và cho biết, thực tiễn công việc của Công an các tỉnh, thành phố loại I rất nặng nề, phải chịu trách nhiệm trực tiếp với lãnh đạo Bộ Công an, chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an ninh trật tự. Quân số ở các tỉnh loại I hiện nay khoảng 4.000 - 5.000 quân. Sắp tới một bộ phận lực lượng Công an nhân dân sẽ chuyển về cấp cơ sở với phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh" thì quân số Công an tại cơ sở sẽ tăng lên rất nhiều. Theo đại biểu, đây là một vấn đề thực tiễn và cần có hành lang pháp lý.
Chính quy hóa lực lượng Công an xã nhưng tránh gây xáo trộn tại cơ sở