“Cháu vẹn cả hai vai: đảm đang việc nhà, tham gia việc nước”

Sau khi giành chính quyền, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chiếm được Ngân hàng Trung ương nên bị động về tài chính. Không những thế, Ngân hàng Trung ương luôn gây rối về mặt tiền tệ, trong khi quân Tưởng tung ra rất nhiều tiền Quan kim, làm cho tài chính của ta ngày càng nguy cấp. Chưa hết, cuộc xâm lăng của giặc Pháp nổ ra sớm tại Nam Bộ đã làm trầm trọng thêm những khó khăn.

Tấm lòng doanh nhân

Nền kinh tế kiệt quệ, quốc khố gần như trống rỗng, biết tìm đâu ra nguồn tài chính? Bác Hồ và các cán bộ trong chính quyền mới đã nhìn ra nguồn lực to lớn: Đó là lòng yêu nước, là khát vọng độc lập, tự do đang bừng cháy trong tâm khảm những người dân đất Việt. 

Chỉ hai ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 4/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 04 thành lập Quỹ Độc lập nhằm “thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia” và giao cho nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện phụ trách. Trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập, từ ngày 17 đến 24/9/1945, Tuần lễ Vàng được phát động.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sắc lệnh của Chính phủ, ngay tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng bạc rất sôi nổi. Từ những người lao động nghèo đến những nhà tư sản, điền chủ… đều hết lòng đóng góp. 

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính ngày 20/5/1946, thì số tiền quyên vào Quỹ Độc lập khoảng 20 triệu đồng và số vàng thu được trong Tuần lễ Vàng khoảng 370 kg, tương đương với tổng số thuế than và thuế điền thu trong cả nước 1 năm dưới chế độ cũ. Nguồn tài chính đó đã góp phần quan trọng giúp chính quyền non trẻ khắc phục những vấn đề về tài chính trước mắt, mua sắm được một số vũ khí cần thiết xây dựng nền quốc phòng…

Đóng góp vào thành công của Quỹ Độc lập, Tuần lễ Vàng nói riêng, của tài chính cách mạng nói chung là rất nhiều những tấm lòng vì nước, vì dân của các doanh nhân. Gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất.

Kế thừa truyền thống 42 năm kinh doanh của dòng họ Trịnh trên đất Hà thành, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ bắt đầu kinh doanh buôn bán tơ lụa, vải vóc từ những năm đầu thế kỷ XX. Cửa hiệu Phúc Lợi của ông bà nổi danh trong giới công thương thời bấy giờ. Hàng hóa của hiệu Phúc Lợi không những phục vụ người Việt mà còn có mặt ở khắp khu vực Đông Dương và chủ yếu là bán buôn. Gia đình ông Trịnh Văn Bô cũng là gia đình giàu có vào hàng nhất nhì đất Hà thành lúc đó.

Với triết lý kinh doanh “buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”, ông bà Trịnh Văn Bô tích cực làm từ thiện ngay từ những năm trước cách mạng. Từ nghĩa cử với những người đã khuất như việc tài trợ 100 chiếc tiểu đại để chôn cất hài cốt khi di dời nghĩa trang Nghĩa Dũng (Hà Nội)... đến những việc làm nhân ái như ủng hộ những người bị bom Mỹ, Nhật ở Đông Khê, Thất Khê, ủng hộ nạn nhân lũ lụt ở Hưng Yên, mua chăn cho trẻ sơ sinh... gia đình đều đã làm. Trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, người tha hương cầu thực khắp nơi đổ về Hà Nội, ông bà Hồ đã nhiều lần xuất kho cứu đói. 

Biết được tấm lòng của gia đình ông Trịnh Văn Bô, cán bộ Việt Minh đã đến vận động ông bà đi theo cách mạng. Sau cuộc gặp gỡ với cán bộ Việt Minh là hai anh em Tạ Văn Lưu và Tạ Văn Thực, ngày 14/11/1944, hai vợ chồng bà cùng người con trai cả chính thức tham gia Việt Minh và hoạt động rất tích cực.
Ngôi nhà nhà ống 4 tầng của ông bà Trịnh Văn Bô ở số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) nằm giữa khu phố sầm uất, dân cư đông đúc được chọn làm nơi ở và làm việc cho Bác Hồ cùng những nhà lãnh đạo cách mạng từ chiến khu trở về Hà Nội. Tầng một của ngôi nhà là cửa hàng vải Phúc Lợi lúc nào cũng tấp nập khách đến mua hàng. Và chính tại tầng hai của ngôi nhà này, Hồ Chủ tịch đã sống và làm việc hơn 1 tháng trời. Bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được Người viết ra tại đây. 

Với tấm lòng yêu nước, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã đem hết công sức, tài sản ra ủng hộ cách mạng với một suy nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ này thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện. Vì thế, hơn 90% số tiền buôn vải được vợ chồng ông Trịnh Văn Bô dùng để ủng hộ cách mạng. 

Chiều 29/3/1945, một cán bộ cách mạng mới vượt ngục tên là Cát (bí danh của ông Khuất Duy Tiến) được người bạn đưa đến gặp hai vợ ông Trịnh Văn Bô và nói chuyện về cách mạng suốt cả buổi chiều. Ông Trịnh Văn Bô hăng hái xin đi theo cách mạng. Nhưng ông Cát nói rằng: “Hai cô chú ở lại có lợi cho cách mạng hơn, vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cũng là làm cách mạng… Việt Minh bây giờ cần nhiều tiền lắm, nói thật là 5 xu mua báo cũng khó vì quỹ chỉ có mấy trăm bạc”.

Ngay lúc đó, hai vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã hứa sẽ ủng hộ một vạn đồng Đông Dương, một tuần sau giao tiền. Sau đó, trước lời động viên của đồng chí Khuất Duy Tiến, bà Hồ lại hứa sẽ ủng hộ một vạn nữa, nhưng hẹn 2 tháng sẽ đưa tiếp... Sau đó, bà còn đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn nữa, tổng cộng là 3 vạn đồng Đông Dương.

Trong vòng ba tháng, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Việt Minh 7 vạn tiền và Hội Phụ nữ cứu quốc 1,5 vạn, tất cả là 8,5 vạn tiền Đông Dương, tương đương với 212,5 lạng vàng.

Sau cách mạng, đồng chí Khuất Duy Tiến, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, đã tiến cử hai vợ chồng ông Trịnh Văn Bô vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Bà Hồ đã ủng hộ quỹ tiếp 20 vạn đồng, tương đương với 500 lạng vàng và vận động thêm cho Quỹ được hơn 1 triệu đồng Đông Dương. 
Nơi trú chân của người cách mạng

Là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ Vàng, hai vợ chồng ông Trịnh Văn Bô lại tiếp tục đóng góp thêm 117 lạng vàng. Trong đó, hai vợ chồng ủng hộ 103 lạng, cụ thân sinh bà Hồ lúc đó đã 85 tuổi ủng hộ 14 lạng. Với uy tín và quan hệ rộng trong giới kinh doanh, ông bà còn đi vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.

Đến khi bế mạc Tuần lễ Vàng, một buổi liên hoan ở bên hồ Hoàn Kiếm được tổ chức, vé tham dự là 120 đồng/vé. Bà Minh Hồ đã nhận trách nhiệm đi mời 100 đại biểu thương gia Hà Nội. Sau khi liên hoan kết thúc, ông bà Trịnh lại tham gia tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ để tiếp tục gây quỹ ủng hộ cách mạng. Giá khởi điểm đưa ra là 1 vạn đồng Đông Dương. Bà Hồ đã trả 2 vạn. Sau đó, giá được đẩy lên cao hơn, cuối cùng là 10 vạn đồng.
Phiên đấu giá ngày đó, ai trả bao nhiêu đều ghi vào sổ, dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương.

Sau nhiều lần ủng hộ trước và sau cách mạng, cộng lại, cả tiền và vàng, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã đóng góp cho tài chính cách mạng 5.147 lạng vàng. Riêng cá nhân bà Minh Hồ đã có lần được Bác khen: “Cháu tuổi trẻ, nhưng có tấm lòng người phụ nữ Việt Nam. Cháu giàu của, lại giàu tình thương người nghèo khó, giúp người hoạt động vì nước. Cháu là người yêu nước, vẹn cả hai vai: đảm đang việc nhà, tham gia việc nước”.

Trong những ngày cuối tháng 8/1945, cả nước đang hối hả chuẩn bị cho sự kiện lịch sử trọng đại khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Gia đình họ Trịnh cũng dồn hết tâm lực để chuẩn bị cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. 

Ngày 24/8/1945, đồng chí Trường Chinh đi đón Bác Hồ về ở căn nhà số 48 Hàng Ngang của vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô cho đến ngày 27/9 để viết bản “Tuyên ngôn độc lập”. Vì ngôi nhà nằm ngay trong lòng địch, nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà lúc đó là một sự mạo hiểm không chỉ với sự nghiệp kinh doanh mà với cả tính mạng của cả gia đình. Thế nhưng, ông bà Trịnh Văn Bô đã hăng hái nhận lời, không một chút nao núng.

Toàn bộ tầng 2 của căn nhà được bố trí làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng gồm các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt... khoảng 15 người. 

Ngày đó, bà Minh Hồ vừa quán xuyến việc nhà, vừa lo chu toàn các bữa ăn cho Bác Hồ, các đồng chí đến làm việc cùng Người. Mỗi bữa ăn của Người, bà Hồ đều tự mình thử thức ăn trước, khi nào bà đi vắng, con trai phải làm thay cho mẹ. Ngoài ra, bà Hồ vẫn lo toan việc buôn bán như bình thường để người ngoài không sinh nghi. Bên cạnh đó, bà còn phải chuẩn bị y phục.

Y phục cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời trong ngày Lễ Độc lập hầu hết do gia đình ông bà lo liệu. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Trịnh Văn Bô trong ngày lễ Độc lập… Vải may áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.

Sau ngày Quốc khánh, ban ngày Bác Hồ làm việc ở Phủ Chủ tịch, tối vẫn về nhà ông Trịnh Văn Bô để ở. Bác vẫn gần gũi, chân thành như “ông cụ ở quê lên chơi” ngày nào. Từ tháng 3/1945 đến hết tháng 5/1946, mọi chi tiêu, ăn mặc, tiếp khách của Nhà nước đều do gia đình ông bà đài thọ. Chính vì những đóng góp ấy, sau này người Pháp đã ví bà Minh Hồ là Bộ trưởng Tài chính của Việt Minh.

Cuộc đời kinh doanh và cống hiến của gia đình ông Trịnh Văn Bô đã để lại một kinh nghiệm quý báu và cũng thể hiện cái tâm và cái tầm của một gia đình thương nhân lớn: “Buôn bán, được 10 thì chỉ giữ lại 7, còn lại thì giúp đỡ người nghèo, làm những việc phúc đức. Đó cũng là lẽ thường tình. Như thế nó mới lâu bền”. Đây cũng là quan niệm của những nhà tư sản dân tộc yêu nước thế kỷ XX, một quan niệm rất tiến bộ, đầy lòng nhân ái và trách nhiệm.

Lê Vân
Nghĩa Đảng - tình dân trong Cách mạng tháng Tám
Nghĩa Đảng - tình dân trong Cách mạng tháng Tám

Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo và đã giành được thắng lợi toàn diện, triệt để: Xóa bỏ chế độ thuộc địa – phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa; xóa bỏ nhà nước quân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN