Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII bắt đầu từ chiều 17/11, với việc các Bộ trưởng làm rõ các vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm.Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ từ đầu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành 6 phiên chất vấn với 22 Bộ trưởng, Trưởng ngành và Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Sáng 19/11/2014, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay đã có 165 chất vấn của 60 đại biểu Quốc hội gửi tới Thủ tướng và các vị bộ trưởng. Quốc hội đã nhận 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 8.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng: Công Thương, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải. Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo các nhóm vấn đề để tạo sự chủ động cho việc trả lời và có điều kiện đối thoại sâu, chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, đi đến cùng các vấn đề được quan tâm
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các vấn đề chất vấn 4 vị Bộ trưởng tại Kỳ họp này là những vấn đề nóng, mang tính chiến lược để qua đó tìm ra những giải pháp, thống nhất hành động, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2015, năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm và mở ra thời kỳ chuẩn bị, tạo điều kiện tiền đề xây dựng kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước giai đoạn 2016 - 2020…
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo nêu rõ: Đến trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương đã xem xét, giải quyết, trả lời 1.795/1.795 kiến nghị, đạt 100%.
Kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với trách nhiệm của mình, ngay sau khi nhận được kiến nghị của cử tri đã kịp thời chỉ đạo, khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời cơ bản đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề cử tri kiến nghị; trực tiếp ký văn bản trả lời, bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật; chất lượng văn bản giải quyết, trả lời được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường; đã đề ra các giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri kiến nghị như vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn lậu qua biên giới, giá sữa, giá thuốc chữa bệnh, giá xăng dầu,… Trong quá trình giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm. Cùng với việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị tại các kỳ họp trước; đồng thời, tổ chức nghiên cứu thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quan tâm nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của cử tri trong quá trình xây dựng thể chế để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, như nhiều kiến nghị của cử tri cả nước gửi đến Quốc hội. Sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng quy định cụ thể về thẩm quyền giám sát và phối hợp giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết và chế tài về việc không giải quyết hoặc để chậm việc giải quyết kiến nghị của cử tri..., nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát về lĩnh vực này.
Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, trả lời kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tiếp tục giải quyết, trả lời những kiến nghị tại các kỳ họp trước, trong đó có những vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị qua giám sát như: giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân; của người nông dân sản xuất lúa, bảo đảm có lãi 30%; của người dân tái định cư các công trình thủy điện; chính sách đối với người có công, cán bộ xã, phường, trong đó có người hoạt động không chuyên trách; khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo..., đảm bảo để các kiến nghị đều được nghiêm túc xem xét, giải quyết và trả lời thấu đáo….
Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, các cơ quan của Quốc hội... tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp, nhà ở cho học sinh, sinh viên, quy định rõ chính sách đối với các đối tượng này trong Luật Nhà ở (sửa đổi); xác định rõ vai trò của Nhà nước, dành nguồn vốn từ ngân sách kết hợp có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nhà ở. Các địa phương rà soát, xác định nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, học sinh, sinh viên, xây dựng chương trình phát triển nhà ở phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở.
Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, trả lời kiến nghị của cử tri; tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách. Các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và công tác tổng hợp, bảo đảm rõ ràng, cụ thể để tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền tập trung xem xét, giải quyết; quan tâm nghiên cứu văn bản trả lời để kịp thời giải trình, cung cấp thông tin trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhằm khắc phục tình tình cử tri kiến nghị nhiều lần hoặc trùng lặp tại các kỳ họp Quốc hội.
TTN