Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Sự việc này càng làm dấy lên những nghi ngại, bất bình trong xã hội về việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sau những bức xúc của dư luận liên quan đến việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm tới 8 phó giám đốc, việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà ở một số địa phương thời gian qua.
Sự việc nghiêm trọng đến mức, trong hai ngày liên tiếp 21 và 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có hai chỉ đạo liên quan đến việc thanh tra công vụ về việc tuyển dụng lao động, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức diễn ra một cách tràn lan tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và việc lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ.
Trao đổi bên lề kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần có đánh giá tổng thể về quy trình đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để làm rõ tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện nay có tràn lan, phổ biến hay đây chỉ là hiện tượng cá biệt.
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), quy trình bổ nhiệm hiện nay là tương đối chặt chẽ vì công tác cán bộ được thực hiện theo chủ trương của Đảng, các kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của chính quyền, có lộ trình, tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng. Vậy tại sao lại có hiện tượng đó? Ở đây có câu chuyện thực hiện quy trình không đúng, liên quan đến người thực hiện.
Để giải quyết tình trạng này, phải rà soát công tác quy hoạch cán bộ, trên cơ sở đó, đánh giá lại tiêu chuẩn, quy trình sao cho cụ thể, chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là phải quan tâm đến việc thực hiện quy trình. “Như chúng ta đã nói thì dường như nó rơi nhiều vào yếu tố chủ quan. Tức là trong thực hiện quy trình, chúng ta phải quy rõ trách nhiệm của cán bộ ở từng cấp, từng khâu” – đại biểu Thắng cho hay. Cũng theo ông Thắng, những sự việc như vậy đều được các cơ quan chức năng trả lời là bổ nhiệm “đúng quy trình” khiến cho người dân rất bức xúc.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng từ thực tế ở Hải Dương, cần rà soát lại tổng thể, kể cả việc bổ nhiệm ở cuối nhiệm kì vừa qua, nhằm làm rõ mối nghi ngờ của dư luận về việc có người lợi dụng để bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu hay không.
Ông cho biết Quốc hội khóa XIV dự kiến có một chương trình giám sát tối cao về công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vào năm 2017 để cùng với Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về hệ thống tổ chức bộ máy và công chức, viên chức. Thời gian tới, cần kiên quyết làm tốt vấn đề này, kẽ hở cần chấn chỉnh nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
“Thứ nhất là trong vấn đề xử lý, quản lý con người, cái này cực kì quan trọng, thứ hai là chúng ta phải chuẩn hóa đánh giá trên công việc. Còn tất cả các tiêu chí đánh giá trên công việc chúng ta vẫn cứ chung chung thì rõ ràng cuối cùng không biết ai làm tốt, ai làm xấu, kiểm điểm ai, kiểm điểm cái gì” – đại biểu Sinh nêu ý kiến.
Chung quanh điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị xem lại trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc bổ nhiệm ồ ạt như vậy. Công tác nhân sự và bổ nhiệm là công tác của Đảng nên cấp ủy đảng phụ trách cấp trên của đơn vị đó cũng phải chịu trách nhiệm.
Bà Khánh cho rằng phải hoàn thiện cơ chế ở cấp ủy đảng, quy định rõ hơn để làm căn cứ cho các cấp, các ngành trong việc thể chế hóa các quy định. Cần thể chế hóa và quy định rõ trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và trong quy trình xem xét, bổ nhiệm.
Các đại biểu cho rằng từ những sự việc vừa qua, nếu đúng như báo chí phản ánh, cần được xử lý nghiêm minh, không né tránh. Đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, với điều kiện, quy hoạch và yêu cầu thực tiễn về sử dụng cán bộ của cơ quan đơn vị đó, nếu đã bổ nhiệm sai thì cần trả những người đó về đúng vị trí của họ. Điều này sẽ góp phần tránh hiệu ứng dư luận không tốt liên quan đến bổ nhiệm cán bộ, nhất là trong điều kiện chúng ta đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy công chức, viên chức, tinh giản đội ngũ cán bộ.
Cuối chiều 24/10, trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về việc thực hiện thanh tra công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết ngay sáng cùng ngày, Bộ Nội vụ đã họp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, tiến hành lập đoàn thanh tra công vụ để kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.