Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Pháp luật phải sát với thực tiễnKỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tương đối dài, Quốc hội dành phần lớn thời gian xem xét thông qua các dự án luật và cho ý kiến lần đầu nhiều dự án luật khác. Đây là nội dung mà tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Chúng tôi cũng rất mong, khi Quốc hội làm luật, ban hành luật thì làm sao các quy định của pháp luật phải sát với thực tiễn, để người dân cảm thấy sự điều chỉnh của luật là phù hợp với thực tế cuộc sống.
Qua những lần tiếp xúc cử tri, có nhiều dự án luật mà người dân quan tâm, chẳng hạn như Luật Căn cước, vì đây là vấn đề sát sườn liên quan đến nhân thân của công dân. Vậy luật này sẽ được quy định như thế nào để bảo đảm quyền công dân. Hoặc liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi), luật điều chỉnh đến quyền lợi của người dân và rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân. Những luật như thế, làm sao khi Quốc hội thảo luận phải tiếp thu được ý kiến của người dân qua các lần tiếp xúc cử tri ở các địa phương.
Một nội dung nữa mà tôi cũng như các đại biểu khác quan tâm là vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đây cũng là vấn đề mà khi đi tiếp xúc cử tri ở địa phương nào người dân cũng đặt vấn đề. Thời gian qua, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được thực hiện với nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, chưa được đẩy lùi. Và cử tri đặt vấn đề là Quốc hội phải thảo luận đưa ra những biện pháp, giải pháp để ngăn chặn cho được, đẩy lùi cho được tình hình tham nhũng hiện nay.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Phó Trưởng đoàn đại biểu Cà Mau): Không chi ngoài dự toán Trong tình hình khó khăn chung của thế giới, của đất nước, đặc biệt là khó khăn về tình hình Biển Đông vừa qua; quyết tâm của hệ thống chính trị, chỉ đạo của Chính phủ và sự nỗ lực của các ban, ngành; kết quả đạt được như vậy là đáng ghi nhận. Với các chỉ tiêu của năm 2014, theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm, khả năng còn đạt cao hơn nữa. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nên tính toán phương án cho hết, trên cơ sở đó định lượng chính xác khi đưa ra kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2015. Tôi đồng tình với ý kiến này.
Về tổng chi, thời gian qua do khó khăn nên chi cũng chưa đạt và khả năng đạt như nghị quyết Quốc hội đề ra là rất khó. Vấn đề này, một mặt tôi cũng chia sẻ bởi khó khăn chung, nhưng tôi cũng kỳ vọng sự điều hành của Chính phủ cũng như điều hành của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương để làm thế nào chúng ta quyết tâm thực hiện được. Trong kế hoạch chi phải bảo đảm dự toán chi, cái nào không có dự toán thì không chi, tránh tình trạng phát sinh, nhất là phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Cử tri, người dân ở Cà Mau cũng rất kỳ vọng trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, làm thế nào có nguồn để giúp bà con xây dựng hệ thống đê bao để chống xói lở, chống ngập nước vì Cà Mau ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nước biển dâng rất lớn. Bên cạnh đó, bà con cũng rất mong muốn được Nhà nước đầu tư để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong việc nuôi tôm. Hiện nay mỗi năm cần khoảng 20 tỷ con giống/năm, nhưng Cà Mau chỉ có thể sản xuất tại địa phương khoảng vài chục phần trăm, còn lại là các con giống trôi nổi khác.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Trách nhiệm của đại biểu phải cao hơn
Lần đầu Quốc hội họp tại Nhà Quốc hội mới, các đại biểu rất phấn khởi. Vì thế, các đại biểu cũng nhận thấy trách nhiệm của mình cũng phải nâng cao hơn nữa trên mọi mặt. Đặc biệt là làm sao phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, trên cơ sở đó thực hiện những quyết sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng; từ đó nâng cao đời sống của nhân dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh): Đã đến lúc nền kinh tế “cất cánh”
Trong kỳ họp này, các đại biểu được họp trong tòa nhà Quốc hội mới với nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, được họp trong hội trường mới mang tên “Diên Hồng” để hiến kế giúp kinh tế đất nước “bay lên”.
Thực tế, trong 4 năm qua, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng thấp so với tiềm năng, đã đến lúc chúng ta phải “chắp cánh bay lên”. Các đại biểu Quốc hội phải hiến kế, có giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại. Do vậy, hội nghị “Diên Hồng” rất có ý nghĩa, hiến kế, đưa ra các giải pháp mới, mang tính đột phá. Chúng ta có tiềm năng tăng trưởng GDP từ 7% trở lên. Nhưng muốn tăng trưởng nhanh chúng ta phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng dựa trên những thế mạnh của Việt Nam như: nền nông nghiệp hiện đại, phát triển du lịch dựa trên nhiều danh lam thắng cảnh, bờ biển dài...
Đối với Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đưa các luật đi vào đời sống, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế. Ví dụ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, luật đầu tư công, luật quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước... phải được thực hiện để đóng góp vào nền tài chính quốc gia.
Với người dân, trong kỳ họp này, vấn đề được quan tâm nhất là cải thiện chất lượng cuộc sống. Muốn vậy, chúng ta phải tăng trưởng kinh tế, để có nguồn tài chính chăm lo cho nhân dân, xây dựng các bệnh viện mới đáp ứng nhu cầu người dân, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng để phát triển.
Xuân Phong - Hữu Vinh