Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh là một trong ba Ban Chỉ đạo thuộc Ủy ban quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là giai đoạn nước rút triển khai chủ trương hội nhập sâu rộng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ban, ngành liên quan đã phối hợp triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XII về hội nghị quốc tế sâu rộng với các chiến lược, đề án cụ thể để triển khai như: Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Nghị quyết số 06/QH-TW về thực hiện có hiệu qủa tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong bối cảnh đất nước tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng các chiến lược, đề án cụ thể của từng bộ, ngành.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng ghi nhận hội nhập quốc tế về chính trị - quốc phòng - an ninh thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng với việc ta đã thiết lập thêm các khuôn khổ hợp tác chiến lược, toàn diện và ngày càng đưa vào chiều sâu quan hệ với các đối tác quan trọng. Việc Việt Nam đảm nhiệm thành công các trọng trách là chủ nhà APEC 2017, diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS-6) và Tam giác phát triển (CLV-10)… được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Các hoạt động ngoại giao, đối ngoại quốc phòng và an ninh được triển khai tích cực, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của ta ở Biển Đông. Việt Nam đã triển khai các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, đưa các nội dung mới vào trong hợp tác song phương và tại các diễn đàn, đối thoại đa phương như: an ninh nguồn nước, an ninh mạng, phát triển bền vững... Quan hệ đối ngoại Đảng và ngoại giao nghị viện được tăng cường đã góp phần củng cố quan hệ chính trị của Việt Nam với các nước.
Những kết quả trên đã góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực trong 6 tháng qua chuyển biến rất nhanh chóng, phức tạp, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, tác động mạnh đến hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh nói riêng. Tình hình này đòi hỏi các bộ, ban, ngành liên quan phải kịp thời đánh giá, dự báo tình hình, đề ra các biện pháp triển khai hiệu quả công tác hội nhập quốc tế thời gian tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần đánh giá sâu những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới và khu vực, tình hình Biển Đông và chủ động có biện pháp hiệu quả để bảo vệ, phát huy lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới.
Các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đi đầu trong nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương bằng những sáng kiến cụ thể, đẩy mạnh chuẩn bị cho việc Việt Nam ứng cử và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, chuẩn bị tích cực cho việc đảm đương nhiệm vụ nước chủ nhà ASEAN 2020 và xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020, tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về chính trị - quốc phòng - an ninh thời gian tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị - quốc phòng - an ninh hiệu quả sẽ là nền tảng để thúc đẩy hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác.