Quản lý tốt lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước giáp ranh Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) về tình trạng hiện nay nhiều người lao động ở biên giới tự do ra bên ngoài làm việc diễn ra khá phổ biến và giải pháp để quản lý, bảo vệ những lao động này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận đây là một thực trạng đang diễn ra.
Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm, giao Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an tập trung xử lý. Hiện, ước tính có khoảng 139.000 người lao động thường xuyên qua lại ở biên giới các tỉnh giáp ranh. Mặt thuận lợi là phong tục tập quán, văn hóa có sự phù hợp; có mối quan hệ thuận lợi vì có người thân giới thiệu sang làm việc, hưởng mức lương cao.
Các lao động này sang làm việc ở một số nước giáp ranh bảo đảm về mặt pháp lý: có hộ chiếu phổ thông, thị thực... nhưng khi sang làm việc, lại không có giấy phép hành nghề. Nước ta hiện đang thiếu khung khổ pháp lý về việc quản lý đối với các lao động này. Các bộ, ngành chức năng đã đàm phán với các nước để có Hiệp định chung về nội dung này, tuy nhiên một số nước chưa đàm phán được.
Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 7 tỉnh phía Bắc ký kết biên bản ghi nhớ với các tỉnh giáp ranh của Trung Quốc để thống nhất trong việc quản lý, bảo đảm điều kiện cho lao động, tránh những rủi ro không đáng có. Phấn đấu trong tháng 7/2018, việc này sẽ được thực hiện xong.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thống nhất việc áp dụng cơ chế đối với lao động Việt Nam như đối với ba nước biên giới của Thái Lan. Phía Lào, các cơ quan chức năng Việt Nam đang triển khai phương án trao đổi thông qua Hiệp định chung.
Không có việc sa thải lao động 30-35 tuổi tại các doanh nghiệp FDI Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Thường chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) về việc bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI và giải pháp ngăn ngừa tình trạng người lao động đến tuổi 35 bị sa thải, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đóng góp rất lớn về kinh tế cho đất nước và góp phần giải quyết lực lượng lao động của Việt Nam.
Tính đến nay, khu vực FDI có khoảng 6,8 triệu người lao động Việt Nam đang làm việc. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp FDI lớn rất quan tâm đến đời sống phúc lợi của người lao động; một số vụ việc sai phạm chủ yếu xảy ra tại doanh nghiệp FDI nhỏ, lẻ.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành đã đi kiểm tra thực tiễn tại nhiều doanh nghiệp FDI; đồng thời, Chính phủ có các điều chỉnh, đề nghị doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội cho người lao động. Hiện, bình quân mức lương của lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp FDI lớn là khoảng 5,5 triệu.
Đối với ý kiến cho rằng tỷ lệ các doanh nghiệp FDI sa thải người lao động từ 30-35 tuổi cao, thậm chí có Viện nghiên cứu đưa ra con số 80%, Bộ trưởng nêu rõ đây là thông tin không chính xác. Khi có thông tin này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đi kiểm tra, khảo sát thực tiễn, ở một số doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh.
Kết quả cho thấy chỉ có 11% người lao động nghỉ việc/xin nghỉ việc/nghỉ một lần vì nhiều lý do khác nhau, trong số này có các lao động từ 30-35 tuổi. Số lao động này xin nghỉ vì nguyện vọng cá nhân/xin nghỉ một lần chứ không phải tất cả bị sa thải. Con số này chỉ bằng 1,9 % so với tổng số lao động của một doanh nghiệp. Hiện trạng này cũng rất hạn chế xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bắc Ninh.
Theo Bộ trưởng, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại công nhân lao động FDI bị thất nghiệp hoặc hỗ trợ chuyển nghề cho người lao động khi các doanh nghiệp này thay đổi cơ cấu sản xuất. Đề án này sẽ được triển khai một cách chu đáo, bảo đảm tốt cho người lao động.