Báo Tin tức phải là cầu nối giữa nhân dân và Chính phủ

Về định hướng thông tin


 

Với nhiệm vụ của một kênh thông tin của Chính phủ, tôi nghĩ Báo Tin tức cần đẩy mạnh những nội dung thông tin mang tính phản hồi với Chính phủ về những chính sách, chủ trương khi đi vào cuộc sống. Đó chính là những thông tin thực tế, là hơi thở cuộc sống. Vị thế của một kênh thông tin Chính phủ, không có nghĩa là chỉ tập trung những thông tin mang tính chỉ đạo hay định hướng một chiều từ trên xuống mà cần có sự phản ánh thực tế từ dưới lên, đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chính sách của Nhà nước, những chính sách, chủ trương chưa sát với tình hình thực tế, những khó khăn, oan ức của người dân cũng cần được phản ánh một cách trung thực. Việc phản ánh nhanh, chính xác những khó khăn, vướng mắc từ địa phương, những sai phạm, nhũng nhiễu của chính quyền, những vấn đề tiêu cực, tham nhũng… một cách chính xác, trung thực, chính là góp phần định hướng dư luận xã hội, ổn định an ninh chính trị và tránh sự xuyên tạc thông tin của các thế lực thù địch, luôn lợi dụng những sai phạm nhỏ để xuyên tạc, để kích động quần chúng…


 

Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

 

Quan trọng hơn, Báo Tin tức phải là cầu nối giữa nhân dân và Chính phủ, ý kiến phản hồi của người dân phải đến được những người có trách nhiệm và những người có trách nhiệm ấy cũng phải có phản hồi, có biện pháp xử lý chính đáng, hiệu quả. Muốn vậy, thông tin phản ánh trên mặt báo phải là những thông tin mà chính người dân quan tâm, chính người dân đang bức xúc, là những thông tin gắn liền với đời sống dân sinh, với nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân và hạn chế những thông tin mang tính giáo điều, lễ nghi… Báo Tin tức cũng cần nhân rộng những mô hình hay, điển hình giỏi cả trong làm ăn kinh tế cũng như trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội thông qua những bài viết, hình ảnh sinh động, sát thực tế và gần với nhu cầu độc giả.

 

Về hình thức, chuyên trang, chuyên mục


Cá nhân tôi không tham gia ý kiến vào việc bố trí, sắp xếp chuyên trang, chuyên mục như thế nào vì đây là vấn đề chuyên môn của báo, tuy nhiên, với tư cách là một người đọc báo, tôi cho rằng, dù bất cứ tờ báo nào thì hình thức tờ báo cũng cần được trình bày cho sinh động, bắt mắt, cuốn hút người đọc. Trong xu thế truyền thông đa phương tiện đang ngày càng phát triển nên báo in ngày càng khó cạnh tranh, vì vậy đòi hỏi cả nội dung và hình thức của báo in nói chung và báo Tin Tức nói riêng cũng cần được cải tiến cho phù hợp với xu thế đọc hiện nay là tiết kiệm được thời gian của độc giả. Báo cần tăng cường hình ảnh trong các bài viết để bảo đảm tính xác thực và nội dung thông tin trực quan, sinh động. Các bài viết cũng nên đặt vấn đề và phản ánh vấn đề một cách cụ thể, súc tích nhằm giúp người đọc có thể nắm bắt thông tin dễ dàng, chính xác trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Bài viết nên ngắn gọn, tránh tình trạng viết dài, trừ những vấn đế lớn, những phóng sự điều tra mang tính dài hơi…


Hiện nay, theo tôi biết, ngoài tờ báo in hàng ngày, Tin tức cũng đã có báo điện tử. Đây là một kênh thông tin quan trọng phù hợp với xu thế truyền thông đa phương tiện. Báo Tin tức cần phát huy vai trò và thế mạnh của một tờ báo thuộc TTXVN - là một ngân hàng thông tin quốc gia và cần phát huy vai trò của một kênh thông tin Chính phủ. Trên Báo điện tử Tin tức, không nên biến thành một phiên bản của báo giấy mà cần cập nhật thông tin nhanh nhạy, không chỉ từ nguồn tin của báo mà cả nguồn tin của hệ thống phân xã TTXVN trong và ngoài nước. Ngay cả những thông tin quan trọng, đúng định hướng của các báo cũng cần được cập nhật, điểm lại trên Tin tức điện tử để giúp người đọc đỡ mất thời gian trong việc tìm kiếm thông tin và có định hướng thông tin tốt từ một tờ báo, một kênh thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước như Báo Tin tức.

 

Về vai trò, ảnh hưởng và công tác phối hợp tuyên truyền


Báo chí nói chung và Báo Tin tức nói riêng có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội, đã góp phần chuyển tải thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào trong cả nước. Đặc biệt vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Trong hơn 1 năm qua kể từ khi có Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015... thì Báo Tin tức đã đến được với đồng bào vùng dân tộc khu ĐBSCL, từ đó đã trở thành một kênh thông tin - tuyên truyền quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức, mà còn là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm phong phú nằm nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Và vai trò quan trọng đó, trong thời gian tới để Báo Tin tức cần:


1. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với Thông tấn xã Việt Nam;


2. Báo Tin tức tập trung tuyên truyền, phản hồi thông tin, bám sát công tác trọng tâm từng thời điểm, hoạt động chỉ đạo, phối hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với các cơ quan Trung ương và các địa phương trong vùng;


3. Cần mở các chuyên mục, chuyên trang về ĐBSCL với các loại hình, tác phẩm báo chí phù hợp, tập trung phản ánh về kinh tế - xã hội, dân tộc - tôn giáo, quốc phòng, an ninh...

 

Ông Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN