Báo cáo tự do tôn giáo của Hoa Kỳ trích dẫn thông tin sai lệch về Việt Nam

Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.


Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 15/10 tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2014 trong đó có đề cập đến tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam .

Đáng tiếc Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin, tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc đưa tin, từ ngày 1/10, chính quyền cái gọi là thành phố Tam Sa đã triển khai lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây tốc độ cao tại các đảo có người sinh sống, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa. Dù dưới bất kì hình thức nào hay nhằm mục đích gì thì các hoạt động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào và không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Phản ứng của Việt Nam về việc vừa qua, tờ báo Diplomat (Philippines) cho rằng, Trung Quốc đang gần như thực hiện vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ)) tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, mọi hoạt động của các bên tại Biển Đông cần phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan theo luật pháp quốc tế đồng thời phải phù hợp với tinh thần của tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng không và hàng hải tại khu vực Biển Đông.

Phản ứng của Việt Nam trước việc tờ New York Times đưa tin về việc Hoa Kỳ đã trao đổi với một số nước ở châu Á về việc đưa tàu vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh “Chúng ta đều biết rằng, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này. Những đóng góp đó phải trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thông tin về tiến độ tìm kiếm 3 người Việt Nam mất tích tại Nhật Bản, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng như Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã nỗ lực phối hợp với các bên liên quan trong việc tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích. Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các lực lượng tuần tra của Nhật Bản vẫn chưa có thông tin gì mới liên quan đến 3 thuyền viên này. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước cũng như các cơ quan chức năng của Nhật Bản để gặp gỡ, thông báo tình hình, thăm hỏi, động viên tinh thần cho các thuyền viên Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng như Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thuyền viên mất tích, xác định rõ nguyên nhân và tìm kiếm các thuyền viên.

TTXVN/Tin Tức
Cần nhìn nhận khách quan và toàn diện về tín ngưỡng, tôn giáo
Cần nhìn nhận khách quan và toàn diện về tín ngưỡng, tôn giáo

Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Giờ đây, tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân. Điều này đòi hỏi phải nhìn nhận về tôn giáo, tín ngưỡng một cách khách quan và toàn diện hơn so với trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN