Nhớ về những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, những chiến sỹ trong đội quân chính trị tư tưởng của Khu ủy Khu V luôn tự hào về những trải nghiệm và cống hiến của từng thành viên trong đơn vị. Khu ủy Khu V- cơ quan lãnh đạo một chiến trường ác liệt vào bậc nhất đã luôn khẳng định vai trò của công tác chính trị tư tưởng.
Trước khi Ban Tuyên huấn Khu V được thành lập, bên cạnh Thường vụ Khu ủy có cán bộ chuyên theo dõi nắm bắt tình hình tư tưởng để giúp Thường vụ Khu ủy nhận định đánh giá tình hình tư tưởng trên địa bàn qua từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt là ở các vùng địch tạm chiếm. Tháng 5/1960, Thường vụ Khu ủy Khu V ra quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Khu ủy tại căn cứ Nước Là thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Do tính chất đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, Khu ủy phân công đồng chí Trương Chí Cương (Tư Thuận) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Khu ủy kiêm nhiệm Trưởng ban Tuyên huấn, 1 đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực và 1 đồng chí Phó Trưởng ban.
Tháng 12/1960, Khu ủy bổ sung thêm 2 Phó Trưởng ban. Ngoài các đồng chí lãnh đạo Ban còn có 8 đồng chí ủy viên. Thời kỳ này, Ban Tuyên huấn Khu V có mật danh là "Làng tuyên". Năm 1963, đồng chí Lê Trọng Khoan (Lê Sâm) - Khu ủy viên, Chánh văn phòng Khu ủy được Khu ủy chỉ định về làm Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V.
Sau khi được thành lập, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V được Trung ương chi viện nhiều cán bộ chuyên môn thuộc các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật, điện ảnh, báo chí, cán bộ huấn học, giảng viên các trường Đảng. Cùng với đội ngũ cán bộ được Trung ương điều vào, Khu ủy còn điều động bổ sung cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V nhiều cán bộ từ các tỉnh lên. Nhờ đó, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã nhanh chóng hình thành Văn phòng Ban, các tiểu ban, trường Đảng, trường Tuyên huấn, Thông tấn xã, các cơ quan báo chí, các đoàn nghệ thuật.
Ngoài ra, Khu ủy Khu V còn có đoàn phóng viên thường trú Đài Giải phóng phía Bắc, Đài Thu phát tin tức, Nhà in, Bộ phận hậu cần. Tuyên huấn Khu còn thành lập Đội tự vệ. Năm 1973, Khu ủy Khu V mở thêm trường Bổ túc văn hóa vừa làm, vừa học.
Về tổ chức Đảng, Đảng bộ Ban Tuyên huấn Khu V có 25 chi bộ trực thuộc, gồm 360 đảng viên. Các đoàn thể chính trị gồm có: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Công đoàn.
Sau khi có lực lượng cán bộ chuyên môn được Trung ương chi viện và cán bộ được điều động từ các tỉnh lên, tháng 9/1961, cơ cấu tổ chức được hoàn chỉnh, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã bổ nhiệm cán bộ phụ trách các tiểu ban và các bộ phận liên quan. Ban Tuyên huấn Khu ủy đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan tham mưu cho Khu ủy Khu V, Trung ương Đảng về công tác tư tưởng, chính trị; được Khu ủy Khu V giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cho Khu ủy về tư tưởng, chính trị, đồng thời trực tiếp quản lý về tổ chức, nội dung của các cơ quan chuyên môn như: Tuyên truyền, huấn học, báo chí, thông tấn xã, giáo dục, văn hóa - văn nghệ, điện ảnh, các đoàn nghệ thuật, nhà in, đài điện tín, trường Đảng, trường Tuyên huấn trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1960 đến năm 1975.
Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V có nhiệm vụ giúp Khu ủy chỉ đạo, kiểm tra, thống nhất nội dung, hướng dẫn, phổ biến đường lối của Đảng về cách mạng giải phóng miền Nam tiến đến thống nhất đất nước; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng để thực hiện công tác tư tưởng, cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đánh Mỹ - Ngụy… cho quân và dân các tỉnh ở chiến trường Khu V.
Công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, nhất là chiến trường Khu V là một chiến trường ác liệt, gian khổ, là nơi đầu tiên phải trực tiếp đối mặt với quân Mỹ khi cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra. Vì vậy, qua mỗi bước ngoặt của cục diện chiến trường tại Khu V, Thường vụ Khu ủy, trước hết là đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy thường xuyên chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng để nghe Ban Tuyên huấn báo cáo, nhận định đánh giá về tình hình tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân và lực lượng vũ trang để Thường vụ Khu ủy có những chủ trương kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Khu V.
Những thành tích xuất sắc của các tiểu ban chuyên môn thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đạt được trên mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của Thông tấn xã Khu V. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đầu tiên có mặt tại chiến trường Khu V vào tháng 4/1959 là đồng chí Võ Thế Ái (người làng Hà Thân, thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ngày nay).
Đến năm 1965, Thông tấn xã Khu V có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn nhiếp ảnh, kỹ thuật và phóng viên thường trú các tỉnh miền Trung. Hàng ngày, Thông tấn xã Khu V bám sát các sự kiện lớn, chuyển ra Thông tấn xã Việt Nam trên 20 tin, bài về chiến sự và những thắng lợi của quân giải phóng trên chiến trường Khu V, ca ngợi những chiến thắng, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, đồng thời tố cáo các tội ác dã man của kẻ thù với nhân dân trong nước và thế giới. Đến ngày giải phóng miền Nam, Thông tấn xã Khu V có 180 phóng viên, kỹ thuật viên; hy sinh 8 đồng chí, bị bắt 1 đồng chí.
Thông tấn xã Khu V có Đài Minh Ngữ là phương tiện kỹ thuật đảm bảo giữ liên lạc thu phát với Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Giải phóng. Đài Minh Ngữ có nhiệm vụ thu phát tin tức tài liệu không có yêu cầu bảo mật, phát trực tiếp qua tín hiệu móoc xơ. Đài Minh Ngữ chủ yếu là phát, còn thu thì dùng radio bình thường. Với các phương tiện kỹ thuật, địch dễ dàng phát hiện tọa độ của Đài Minh Ngữ, từ đó xác định khu vực cơ quan chủ quản của Đài để đánh phá. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho Đài và cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V cũng như Khu ủy, Đài Minh Ngữ phải luôn di chuyển. Anh em rất vất vả về việc này vì mỗi lần di chuyển thì lại phải làm nhà, đào hầm, gùi cõng máy móc, gạo mắm. Trong điều kiện khó khăn như vậy, anh em ở Đài Minh Ngữ vẫn hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo thu phát tin tức, bài vở nhanh chóng, chuẩn xác. Anh em còn có sáng kiến chế ra thủy điện nhỏ, lợi dụng sức nước để quay máy phát, giảm bớt lao động cơ bắp nặng nhọc.
Bên cạnh Thông tấn xã Khu V còn có các cơ quan báo chí, điện ảnh, văn nghệ, hội họa khác và đoàn nghệ thuật Khu V đã đóng góp xuất sắc trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ Ban Tuyên huấn Khu V có 128 liệt sỹ, 93 thương binh, 14 người bị địch bắt tù đày trao trả sau Hiệp định Paris, có 56 người và các thế hệ con cháu bị nhiễm chất độc da cam.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể khẳng định rằng: Mặc dù phải hoạt động trên một chiến trường đầy khó khăn gian khổ, ác liệt, nhưng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng và khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc đã trở thành ý chí, động lực để cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi giải phóng miền Nam vào tháng 4/1975; đến tháng 10/1975 Khu ủy mới lập Ban Thi đua khen thưởng để Ủy ban Giải phóng Khu Trung Trung bộ cấp Huân chương. Để ghi nhận công lao, sự hy sinh của cán bộ, đảng viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V, các tiểu ban chuyên môn đều được tặng thưởng Huân chương Giải phóng và Quyết thắng hạng Nhất. Tổng số Huân chương mà Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V được Ủy ban Giải phóng Trung Trung bộ trao tặng tập thể, cá nhân gồm: Tập thể được tặng 38 Huân chương Giải phóng và Quyết thắng hạng Nhất; 360 cá nhân được tặng và truy tặng Huân, Huy chương Giải phóng và Quyết thắng hạng Nhất, Nhì.
Tháng 2/1976, trước khi có quyết định giải thể, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã tổ chức hội nghị toàn Ban để tổng kết, biểu dương thành tích của tập thể, cá nhân trong cơ quan suốt thời kỳ chống Mỹ. Ban Thi đua khen thưởng Khu Trung Trung bộ đã trao huân, huy chương cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V. Tại hội nghị đó, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V đã có bài phát biểu quan trọng đánh giá, ghi nhận công lao to lớn, sự hy sinh quên mình của cán bộ, đảng viên, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng cho Ngày chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc.
Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định 632/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.