Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trao đổi với phóng viên về nội dung này, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) băn khoăn về việc đảm bảo điều kiện để triển khai thực hiện Đề án.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Đại biểu đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị công phu Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc đổi mới này được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”. Đại biểu khẳng định, trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, nước ta không thể không biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phù hợp với giai đoạn mới, tuy nhiên đại biểu vẫn còn băn khoăn về điều kiện để triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đại biểu, giai đoạn vừa qua, sách giáo khoa được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tuy nhiên, chúng ta chưa đảm bảo các điều kiện thực hiện. Đại biểu khẳng định sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết 40 chỉ thực hiện được khi chúng ta đổi mới phương pháp dạy và học. Đại biểu lấy dẫn chứng, tại nhiều nước trên thế giới đều đổi mới phương pháp dạy và học bằng hình thức tổ chức giờ học. Học sinh phải di chuyển đến các phòng học bộ môn và giáo viên dạy cố định ở các phòng bộ môn. Hiện Việt Nam đang làm ngược lại, mỗi tập thể học sinh đang học cố định ở một phòng truyền thống; thầy cô đang dạy chay và học trò học chay, vì vậy chương trình đang quá nặng về kiến thức. Đại biểu cho rằng, nếu thực hiện tốt Nghị quyết 40 về khía cạnh này thì chắc chắn việc thay đổi chương trình sách giáo khoa sẽ là một bước rất cơ bản. Tuy nhiên, hiện chưa làm được điều này, chúng ta vẫn chưa có phòng học bộ môn. Đại biểu Ngô Thị Minh cho biết, Chính phủ sẽ có một đề án riêng về vấn đề này.
Đại biểu đánh giá, vấn đề xã hội hóa chưa được đề cập trong Đề án và cho rằng Chính phủ phải có phương án để thực hiện xã hội hóa. Đại biểu đề xuất phải cho các trường ngoài công lập chất lượng cao được phát triển cạnh tranh, bình đẳng với các trường công lập để từ đó giảm bớt số lượng học sinh tại các trường công lập; đồng thời cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các trường ngoài công lập để đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng ngân sách nhà nước. Quy hoạch các hệ thống trường học cần phải tiến hành ngay song trùng với Đề án này và gắn với quy hoạch nguồn nhân lực của mỗi vùng miền. Theo đại biểu, điều này trong Đề án chưa được nhấn mạnh và cũng là những nội dung được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm…
Quỳnh Hoa