Nhưng người cán bộ chỉ thật sự nêu gương khi làm một việc gì đó bằng sự vô tư, trong sáng, chứ không làm vì mục đích nêu gương. Và khi đó, tấm gương mới thực sự tỏa sáng, có sức thuyết phục, lôi cuốn những người xung quanh.
Phẩm chất hàng đầu của người cách mạng
“Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn… Nói tóm lại, chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng”, đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lớp học chính trị của giáo viên tháng 8/1959. Người chỉ rõ: Chính trị là cái đức của người cách mạng, mà đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động.
Thấm nhuần tư tưởng đó, trong các văn bản của Đảng nói chung và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói riêng, nội dung đầu tiên đều là nhắc đến các yêu cầu, nhiệm vụ về chính trị tư tưởng. Trong đó, “tuyệt đối trung thành” luôn được đề cập như một phẩm chất hàng đầu của người cán bộ, đảng viên; đó cũng là lời tuyên thệ đầu tiên của người đảng viên khi được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Quy định số 08-QĐi/TW của Bộ Chính trị vừa mới ban hành, cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, phải là những tấm gương: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Và trước đó, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cũng nêu rõ, phải “Kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.” Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường tư tưởng là phẩm chất hàng đầu không thể thiếu. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình hiện nay, đó là sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng - mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Đó là sự vững vàng, không dao động trước mọi tình huống, sự quyết tâm phấn đấu, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trước Đảng, trước nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong một thế giới phẳng nhưng đầy biến động, khi hằng ngày, hằng giờ các thế lực thù địch không ngừng reo rắc, loan tin thất thiệt nhằm gây hoang mang, dao động, giảm sút ý chí, niềm tin ngay trong chính nội bộ của Đảng, thì bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định của từng cán bộ, đảng viên, hơn bao giờ hết càng phải được tôi luyện, rèn rũa.
Cách nay 60 năm, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân;… ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng”. Cho dù ở vị trí, hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên nếu trau dồi, tu dưỡng, thầm nhuần đạo đức cách mạng sẽ không để mình bị cám dỗ, sa ngã, nếu biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên vị trí tối thượng, ắt sẽ chiến thắng được bản thân, vượt qua chủ nghĩa cá nhân để vun vén vì đại cục, vì cái chung. Người phân tích: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”, “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện đúng chính sách, nghị quyết của Đảng, làm gương cho quần chúng.
Từ lập trường tư tưởng đến hành động
Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao của Đảng, trách nhiệm nêu gương không chỉ ở việc nắm vững, vận dụng, thực thi, mà còn phải kiên quyết bảo vệ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tại Quy định 101-QĐ/TW, Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp phải: “Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Trong quá trình phát triển đi lên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành tựu đạt được vô cùng to lớn, rất đáng tự hào, cũng còn không ít những tồn tại, hạn chế, và có không ít vấn đề mới phát sinh, đặt ra những yêu cầu mới, thách thức mới đối với cách mạng nước ta. Điều đó hoàn toàn biện chứng. Tuy nhiên, trước những tình huống cụ thể, trước những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần phải có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng; đồng thời phải tích cực giải quyết, chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các vấn đề đó, không để bức xúc, tồn đọng kéo dài, trước hết ở địa phương, lĩnh vực mình phụ trách. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, trước tác động mặt trái của cơ chế thị trường, đất nước mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng nặng nề hơn, nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm đang đặt ra. Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên phải là những người kiên định nhất, trung thành nhất, sáng suốt nhất, tiên phong đi đầu, gương mẫu trong mọi việc vì lợi ích quốc gia, dân tộc, xứng tầm lãnh đạo đất nước.
Trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm bôi xấu, hạ thấp uy tín, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu, “chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch” như Quy định số 08-QĐi/TW đã nêu rõ.
Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập đang hàng ngày hàng giờ tác động tới đời sống xã hội và tư tưởng, tình cảm của mỗi người dân. Lối sống hưởng thụ, thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa len lỏi đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham nhũng, tiêu cực, lãng phí diễn ra tinh vi, phức tạp. Trước thực trạng đó, Đảng ta tập trung cao độ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao của Đảng. Trong đó, Quy định 101-QĐ/TW nêu rõ cán bộ, đảng viên phải: “đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Dũng khí phê bình và tự phê bình
Trước làn gió độc hại, sự chống phá của các thế lực thù địch thì một đòi hỏi tiên quyết là từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về đạo đức, lối sống; nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình để "tự soi", "tự sửa", tự nâng "sức đề kháng" của mình trước mọi tác động từ bên ngoài.
Nêu gương về tự phê bình và phê bình là nội dung thứ 3 trong 7 nội dung cần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được đề cập tại Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư. Trong đó, Quy định nêu rõ: “Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo”. Điều đó thể hiện ở tinh thần thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.”
Đến Quy định số 08-QĐi/TW, có lẽ đối tượng thực hiện ở cấp cao hơn, cho nên yêu cầu nêu gương trong đấu tranh tự phê bình và phê bình cũng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Quy định yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Những quy định đó thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình. Trong tác phẩm “Đạo đức Cách mạng”, Người đặc biệt nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải biết “thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí khác để cùng nhau tiến bộ”. Phê bình và tự phê bình là một vũ khí sắc bén để luyện rèn cán bộ, xây dựng Đảng ta ngày càng phát triển, ngày càng mạnh mẽ và lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Người nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Khi có sai lầm thì phải kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to. Đảng viên sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm. Bởi vậy, muốn tiến bộ, để không bị “quần chúng bỏ rơi” thì người cán bộ cách mạng phải có dũng khí tự phê bình và sẵn sàng nghe phê bình.
Muốn có một tổ chức tốt thì trước hết từng thành viên trong đó phải tốt. Để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, trước hết từng cán bộ, đảng viên của Đảng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân. Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối và chính sự nêu gương của từng cán bộ, đảng viên. Do vậy, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên và trước hết là của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.