Trước khi Quy định 08-QĐi/TW được ban hành, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhưng với Quy định 08-QĐi/TW, thì đây là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương ban hành một quy định, trong đó đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Với 8 điểm cần gương mẫu thực hiện, 8 điểm cần kiên quyết chống, Quy định số 08-QĐi/TW được đánh giá sát với thực tiễn cuộc sống, là bước tiến lớn tiến tới hoàn thiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao giữ trọng trách lớn trong các cấp ủy Đảng, bộ máy chính quyền các cấp.
Trong 8 điểm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện được nêu trong Quy định số 08-QĐi/TW, quy định: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; Mẫu mực về đạo đức, lối sống; Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành... được đánh giá vừa có tính bao quát nhưng lại rất cụ thể.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là với lãnh đạo cấp cao (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương) có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt chưa thật sâu sắc, toàn diện. Thật đau xót, có không ít cán bộ cấp cao của Đảng (cả đương chức và đã nghỉ hưu) vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu gương xấu, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Điều rất đáng suy ngẫm là trong thời kỳ cả dân tộc cùng một lúc đảm đương hai nhiệm vụ chiến lược: Đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đất nước phải đối mặt với bao khó khăn thử thách, phần lớn cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ cương vị lãnh đạo đều giữ vững phẩm chất cách mạng, có lối sống giản dị, gần dân, có trách nhiệm với dân, lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân.
Nhưng trong vài năm trở lại đây, khi đất nước bước vào giai đoạn chuyển đổi, hòa nhập sâu với thế giới, có không ít cán bộ cao cấp của Đảng đã thoái hóa biến chất trước cám dỗ của tiền bạc và danh vọng, họ trở thành tấm gương mờ đục trong mắt người dân. Không ít cán bộ, đảng viên, cán bộ cao cấp không thật sự gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, sống xa hoa, lạc lõng, xa rời với cuộc sống của người dân lao động. Họ vun vén, vụ lợi, tham nhũng, đề bạt, cất nhắc người thân, người cùng phe cánh vào những vị trí công tác then chốt, nhiều bổng lộc.
Đối chiếu với nội dung của Quy định 08-QĐi/TW, thì rõ ràng đây là những vấn đề đòi hỏi cán bộ cấp cao của Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Không khỏi đau xót mỗi khi Đảng ta phải kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, lợi dụng chức quyền tham ô tham nhũng, gây mất đoàn kết nội bộ. Chưa nói tới việc những cán bộ, đảng viên, cán bộ cao cấp thoái hóa, biến chất bị dư luận lên án, mà đó còn là một tổn thất to lớn đối với Đảng, với bộ máy chính quyền.
Phải khẳng định rằng, nếu cán bộ, đảng viên, cán bộ cấp cao trở thành tấm gương sáng, thì đó sẽ là nền tảng xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh. Những gương sáng đó sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách bất đồng, hàn gắn những mâu thuẫn xã hội, quy tụ và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Bởi vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp càng đặt ra bức thiết hơn; đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày, hàng giờ không chỉ ở cơ quan, đơn vị, mà cả ở gia đình, cộng đồng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn tiền phong gương mẫu, thể hiện rõ tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “làm mực thước cho người ta bắt chước” trong mỗi hành động, việc làm. Bởi người dân luôn nhìn vào Đảng và chính quyền thông qua những cán bộ, đảng viên, cán bộ cấp cao với những việc làm và cách ứng xử hằng ngày.
Chính vì vậy, muốn làm tròn trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải tự vấn mình, thuấn nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.