Bài 5: Để nêu gương không là hô hào suông

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã cho thấy một bước tiến, bước đột phá mới trong hệ thống các quy định về vấn đề nêu gương của cán bộ, Đảng viên.

Bởi quy định lần này  được BCH Trung ương ban hành, chứng tỏ vị trí của vấn đề nêu gương lớn hơn nhiều, thẩm quyền cao hơn nhiều, tính chất cũng quan trọng hơn nhiều. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên  Đảng ta có quy định chỉ đích danh trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương.

Cũng chính bởi vậy, mặc dù trước đó, Đảng ta cũng đã có khá nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhưng chưa bao giờ Quy định số 08 lại nhận được sự quan tâm, đồng thuận và kỳ vọng cao từ mọi tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị đến vậy!

Người dân đồng thuận bởi Quy định số 08 được đưa ra đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi mà trong thời gian gần qua, đã có nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài liên quan đến đội ngũ cán bộ, Đảng viên được đưa ra kiểm tra kết luận. Đảng đã thi hành kỷ luật tới 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên và nguyên UVTƯ, khai trừ Đảng 01 đồng chí UVTƯ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, có cả các đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Những vụ việc này gây ra dư luận xấu và phần nào làm mất đi niềm tin của nhân dân với Đảng. Đo dó, việc BCH Trung ương ra Quy định lần này, lại nhắm vào các chức danh cao nhất trong Đảng, quy định rõ 8 vấn đề phải gương mẫu đi đầu cùng 8 vấn đề  phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, đã đi trúng được vào “nạn nước” và “lòng dân”.

Sau sự đồng thuận cao, người dân đang cùng hướng lòng đến sự kỳ vọng, rằng với nhiều tính ưu việt như vậy, Quy định 08 sẽ thực sự đi được vào cuộc sống, có hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội, chứ không trở thành một quy định cho có, hô hào suông, “rơi tõm ao bèo”… như đã từng xảy ra với một số quy định trước đó. Đây chắc chắn cũng chính là nỗi đau đáu của người đứng đầu Đảng và của cả tập thể Ban bí thư khi cùng đồng lòng, quyết tâm khi ban hành ra Quy định này.

“Đảng viên đi trước làng nước theo sau” đã trở thành chuyện nêu gương đương nhiên. Nói đến vấn đề nêu gương, người ta nghĩ ngay đến tinh thần tự giác, tự nguyện. Và chỉ khi việc nêu gương ngấm sâu vào tinh thần, đạo đức, tư tưởng của cán bộ, Đảng viên, người đứng đầu  đặc biệt là các vị trí then chốt trong Đảng, thì nó mới  có sức sống mãnh liệt được. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”. Còn người dân thì vô cùng mong mỏi những đồng chí có trách nhiệm nêu gương mà Quy định 08 đã chỉ rõ, phải nằm lòng những điều cần gương mẫu đi đầu thực hiện và những điều phải nghiêm khắc với bản thân và phải cương quyết chống; để thấm đẫm nó vào trong tư duy, đạo đức, bản lĩnh và biến thành hành động cụ thể; để không có chuyện rơi vào sai phạm hoặc những cái bẫy của sai phạm.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy rằng, nếu như chỉ dựa vào sự tự giác, lời kêu gọi, việc thuyết phục, răn dạy đạo lý…, thì nêu gương vẫn chỉ dừng lại cơ bản ở tình trạng “hô hào suông”, hiệu quả thấp. Bởi càng ngày, những cám dỗ về vật chất, quyền lợi, quyền lực… càng hấp dẫn, luôn chờ chực  “che mờ”  ý thức và sự tỉnh táo của cán bộ, Đảng viên; làm họ quên đi lời thề thiêng liêng trước Đảng và trách nhiệm cao cả trước nhân dân. Chính bởi vậy, không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh việc cổ vũ, kêu gọi thì Đảng, Nhà nước cũng đồng thời phải luật hóa để đủ chế tài xử lý khi xảy ra vi phạm đối với từng vấn đề đặt ra trong Quy định 08. Phải song hành cả việc thực hiện “đức trị” và “pháp trị” thì mới mang lại  hiệu quả mạnh mẽ và toàn diện trong vấn đề nêu gương.

Nhìn lại, sau hơn 6 năm thực hiện Quy định 101 QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đã cho thấy kết quả còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chưa có chế tài đủ mạnh xử lý những cán bộ, đảng viên không gương mẫu. Do vậy hơn bao giờ hết, công việc nhất định phải làm để Quy định 08 phát huy hiệu quả là hệ thống pháp luật phải có thêm sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện; xây dựng chế tài đủ mạnh để có thể “khép tội” chuẩn xác nhất,  không bỏ sót lọt tội và việc tổ chức thực hiện phải quy củ, minh bạch, nghiêm khắc, “không có vùng cấm”, không có sự bao che, nương nhẹ, nhất là đối với các nhóm lợi ích và đối với bất kỳ vị trí nào!

Phải khẳng định lại một lần nữa rằng: Chưa bao giờ “địa chỉ” nêu gương lại rõ ràng như vậy, lại nhắm tới những chức danh cao nhất trong Đảng như vậy. Cho nên cũng chưa bao giờ người dân kỳ vọng đến như vậy. Kỳ vọng mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương phải thật sự là biểu tượng của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, hết lòng, hết sức phục vụ Ðảng, phục vụ nhân dân. Kỳ vọng mỗi đồng chí là một tấm gương sáng thì chắc chắn với tầm ảnh hưởng của mình sẽ tạo ra sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ trong toàn xã hội. Kỳ vọng cùng với sự đồng hành và giám sát của nhân dân, Quy định về nêu gương lần này sẽ vững chắc đi vào cuộc sống, tạo bước đột phá  để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng một xã hội trong sạch và nhân văn; xây dựng vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng.

Ninh Hồng Nga (Báo Tin tức)
Bài 4: ‘Tu thân, tề gia’ - nêu gương cho xã hội
Bài 4: ‘Tu thân, tề gia’ - nêu gương cho xã hội

Trong Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10, có riêng một quy định Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN