Bài 2: Trách nhiệm tướng tiên phong trong chống tham nhũng

Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm. Bởi vậy, Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành cũng đã xác định đây là những người lĩnh ấn tiên phong trong cuộc chiến chống nội xâm này.

Trong Quy định đã nêu Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Có thể nói, tham nhũng và hối lộ có sự biến tướng phức tạp và ngày càng tinh vi, khó nhận diện. Những câu chuyện kiểu như đánh lưỡi câu bằng vàng 9999 cho vào bụng cá mang đến biếu sếp, hay những phong bì tiền giấu dưới đáy hộp bánh, hộp chè đã trở nên “lạc hậu”. Sau đó, những vụ việc ầm ĩ trên báo chí về việc cán bộ đi công tác về qua sân bay bị phát hiện trong cặp hàng tập phong bì tiền cũng dần bị cho là tham nhũng vặt. Năm 2013, trong vụ án xét xử Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đồng bọn phạm tội tham ô tài sản, lời khai của các bị cáo tại tòa cho biết đã 2 lần xếp tiền vào vali tổng cộng 10 tỷ đồng mang đến cho Dương Chí Dũng.

Cho đến nay, tham nhũng, hối lộ cũng không còn đơn thuần là đưa tiền mặt mà đã chuyển sang vô vàn các hình thức quà tặng có giá trị, các chuyến du lịch sang trọng, những thẻ chơi golf trị giá cả trăm ngàn đô la Mỹ. Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội. Đây là một trong nhiều vi phạm dẫn đến việc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đã kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh.

Kẻ thù có nhiều âm mưu thủ đoạn với những viên đạn bọc đường, vì thế mà yêu cầu đòi hỏi các vị tướng tiên phong phải hết sức bản lĩnh, thường xuyên rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực lãnh đạo, quản lý. Ngay ở điều 2 của Quy định nêu gương đã chỉ rõ 8 yêu cầu, vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để chống giặc nội xâm như: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả. Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ…

Với trách nhiệm chống tham nhũng, hối lộ, Quy định nêu gương còn cụ thể hóa những lĩnh vực “nhạy cảm” mà  các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống là: Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

Quy định về những nội dung “nhạy cảm” đó chính là được tổng kết từ thực tế. Chúng ta đã có những bài học đau xót khi nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý vì đã không tỉnh táo, làm đúng chức trách được giao. Còn đang nóng hổi là vụ án đánh bạc công nghệ cao hàng nghìn tỷ đồng do Công an tỉnh Phú Thọ điều tra khám phá. Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã bị truy tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để bao che, ngăn cản các đơn vị nghiệp vụ điều tra xử lý đường dây đánh bạc này. Ở lĩnh vực thứ hai, một dẫn chứng điển hình là trong vụ án sai phạm ở Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã bị tuyên án 13 năm tù về tội cố ý làm trái, trong đó có hành vi chỉ định tổng thầu cho PVC trái quy định. Ở lĩnh vực đấu giá đất đai, tài sản nhà nước, mới đây, hàng loạt cán bộ đương nhiệm và nguyên là lãnh đạo, quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bị khởi tố để điều tra về việc bán tài sản công trong vụ án liên quan đến Vũ “nhôm”. Điều đó cho thấy việc thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên là cấp bách hơn bao giờ hết.

Mới đây, người viết có dịp trò chuyện với một nữ cán bộ lão thành có 53 năm tuổi Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bà kể rằng người dân tỉnh Hải Dương vẫn truyền tụng câu chuyện về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này. Có một lần chuẩn bị đi công tác, một cán bộ cấp dưới đã mang phong bì 10 triệu đồng đến “gửi chị để chi phí đi lại”. Ngay lập tức đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từ chối và trả lời “tôi đi công tác đã có chế độ của Nhà nước”. Sau đó là một cuộc điện thoại đến Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu xử lý người cán bộ cấp dưới không đủ phẩm chất này.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rằng, mục đích yêu cầu của Trung ương Đảng khi ban hành Quy định là “để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của cán bộ, đảng viên” là hoàn toàn đúng đắn. Các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ là những tai mắt của Đảng để những tấm gương tốt sẽ được nhân lên, còn hành vi tham nhũng, hối lộ thì không thể che giấu. Do đó, tướng tiên phong ra trận mà thất bại thì “quân pháp bất vị thân”.

Trần Ngọc Tú
Bổn phận của người nêu gương
Bổn phận của người nêu gương

Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN