Ngay sau khi bước vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố, công tác này đã được lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ triển khai với nhiều cách làm mới, hiệu quả, sau đó đã được nhân rộng ra cả nước.
Khởi xướng phong trào “đền ơn đáp nghĩa”
Ngay sau khi thống nhất đất nước, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước với nhiều phong trào thiết thực, cụ thể trong công tác đền ơn đáp nghĩa mang tính nhân văn cao cả.
Chăm lo, ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt được thành phố thực hiện trên tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Những đối tượng chính sách, người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố quan tâm bằng trách nhiệm, tình cảm và tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Hiện nay, thành phố có khoảng 271.000 người có công, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng người có công; trong đó có gần 30.000 liệt sỹ, 27.000 thương binh, 3.000 bệnh binh, 5.333 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó 248 mẹ còn sống)…
Là một trong những đơn vị chủ lực trong triển khai chương trình này, theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và vận động thống nhất nâng mức phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng với mức thấp nhất là 2 triệu đồng/tháng/mẹ; mở rộng diện chăm lo đối với thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn với mức ít nhất 2 triệu đồng/người/tháng…
Thành phố đã nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người có công, đảm bảo các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân ở địa phương. Với phương châm không để đối tượng chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo, ngoài hoạt động chung về giảm nghèo đa chiều, thành phố có ưu tiên hơn, vận động các doanh nghiệp, "mạnh thường quân" chăm lo thêm giúp các hộ sớm vượt nghèo. Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác quy tập hài cốt (gần 30.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập, an nghỉ ở 7 nghĩa trang trên địa bàn thành phố) và xác định danh tính liệt sĩ đang tiếp tục được thành phố nỗ lực thực hiện.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoa Xinh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sỹ, những người cha, người vợ và con em liệt sĩ đang ngày đêm khắc khoải đợi chờ. Đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm, lương tri sống ở đời và làm người; là nét đẹp văn hóa ứng xử, đạo lý sống của người Việt Nam nói chung và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo
Mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân thành phố, đòi hỏi phải có những chính sách, giải pháp cụ thể để giữ khoảng cách chênh lệch hợp lý, bảo đảm công bằng xã hội. Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã mạnh dạn đưa ra một chủ trương sáng tạo nhưng cũng không kém phần táo bạo và quyết liệt, đó là mở cuộc vận động nhanh chóng xóa hộ đói, từng bước giảm hộ nghèo. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của tất cả các tầng lớp nhân dân.
Chương trình đã nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, không chỉ giới hạn trong phạm vi thành phố (địa phương khởi xướng đầu tiên) mà ngày càng lan rộng ra trên cả nước, phát huy mọi nguồn lực Nhà nước và nhân dân, trong nước và ngoài nước cho sự nghiệp chống đói nghèo đầy khó khăn, thử thách.
Chương trình đã đi qua bốn giai đoạn với 8 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn nghèo của thành phố và các giai đoạn đều hoàn thành trước kế hoạch đề ra. Năm 2016 là năm đầu tiên thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều.
Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố nhận thức được khi chương trình giảm nghèo bền vững chuyển sang phương pháp tiếp cận đa chiều đòi hỏi phải có sự thay đổi trong hoạch định chính sách, lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và tổ chức điều hành thực hiện nên đã chỉ đạo việc đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 như: lồng ghép chương trình giảm nghèo vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thường xuyên của các ngành, các cấp hàng năm và cả giai đoạn. Các Sở, ngành của thành phố được giao nhiệm vụ theo chức năng của mình chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo tỷ lệ chiều nghèo thiếu hụt của người nghèo ở địa phương.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận, huyện, các phường, xã, thị trấn, thành phố đã liên tục thực hiện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo năm 2016 - 2018 và kéo giảm đáng kể các thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thành phố tăng cường xã hội hóa và huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng, tạo niềm tin của người dân đối với Chương trình.
Kết quả, qua 3 năm (2016 - 2018) tổ chức thực hiện các chính sách tác động và hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có 60.622 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và 58.703 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. Tính đến hết năm 2018, thành phố còn lại 3.767 hộ nghèo, chiếm 0,19% tổng hộ dân thành phố và 22.882 hộ cận nghèo, chiếm1,15% tổng hộ dân thành phố; còn 287 hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công (có 10 hộ nghèo và 277 hộ cận nghèo). Xét theo chuẩn quốc gia, đến nay, Thành phố không còn hộ nghèo, chỉ còn 94 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 0,005% tổng hộ dân thành phố.
Chương trình đã huy động hiệu quả nguồn lực và sự tham gia của các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố. Người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm.... Đặc biệt là họ biết học hỏi cách làm ăn để tận dụng các cơ hội trợ giúp của chương trình hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững của thành phố.
Xuyên suốt Di chúc của Người để lại là những trăn trở, tâm nguyện cho dân, cho nước để mọi người dân được ấm no, tự do, hạnh phúc; trong đó, việc quan tâm đến con người - không chỉ quan tâm, chăm sóc mà còn tạo điều kiện để con người vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Đây là công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có những chủ trương, chính sách chăm lo đời sống nhân dân, từ đó tạo dựng được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, đóng góp sức người sức của cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Bài 4: Củng cố hệ thống chính trị, gắn kết với nhân dân