Do còn nhiều khó khăn về địa hình, cơ sở hạ tầng và giao thông, nên việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Tây Bắc còn nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, hiện nay, kinh tế của vùng phát triển chậm, việc mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp để tạo ra các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp, hiện đại gặp nhiều khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhiều nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững.
Đổi mới công nghệ
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Chương trình Tây Bắc cần tiếp tục đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tập trung nghiên cứu các loại cây trồng truyền thống thế mạnh như cây dược liệu, rau bản địa, rau hoa chất lượng cao, giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào sản xuất,… Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giới thiệu mô hình KH&CN, đặc biệt là việc cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực canh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Cán bộ Dự án phát triển lâm nghiệp Hòa Bình và Sơn La chăm sóc diện tích cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2014. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Hiện các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang triển khai nhiều mô hình về giống cây có năng suất và chất lượng để nhân dân ứng dụng làm theo. Tuy nhiên các mô hình này chưa mang lại hiệu quả kinh tế do người dân còn bỡ ngỡ, chưa tin tưởng vào hiệu quả của một số loại cây trồng mới, một phần do diện tích canh tác nhỏ lẻ manh mún nên đầu ra cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Để khắc phục những tồn tại, cũng như để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo quy hoạch. Sớm hoàn thành việc giao đất, giao rừng trên thực địa.
Áp dụng các chính sách phù hợp để phát triển mạnh rừng sản xuất, đồng thời bảo đảm cho chủ rừng phòng hộ có thể phát triển bằng bảo vệ rừng, làm cho người dân gắn bó chặt chẽ hơn với sự phát triển của mỗi loại rừng; sớm chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Mở rộng các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, tạo quỹ đất tập trung, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Phát huy mạnh mẽ lợi thế về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Tây Bắc cần khuyến khích công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, tổ chức khoa học kỹ thuật với hộ nông dân, như công nghiệp gỗ, giấy, chế biến chè, hoa quả, thịt, sữa,… Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, du nhập, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông, lâm, thủy sản; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm đến cơ sở…
Qui hoạch vùng chuyên canh
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, trong thời gian tới các tỉnh cần phát triển nhanh việc trồng cây công nghiệp chuyên canh tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Chú trọng cây chè, cao su, cà phê, dâu tằm, mía, cây ăn quả, dược liệu… UBND các tỉnh trong vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phát triển các loại cây công nghiệp có thị trường tiêu thụ mạnh. Áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương trong vùng, trước hết là các chính sách đã được ban hành, như chính sách hỗ trợ 100% tiền mua giống mới phục vụ trồng mới, trồng thay thế cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm; hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng đối với các hộ vay vốn trồng mới và thâm canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm...
Các địa phương cần quy hoạch và thực hiện quy hoạch sản xuất lương thực theo hướng nâng cao hiệu quả, phát huy được lợi thế về đất đai, khí hậu... của từng vùng, tiểu vùng; mở rộng diện tích lúa nước một cách hợp lý, giảm diện tích sản xuất lương thực trên đất dốc. Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng cây chuyên canh tập trung tạo nguồn hàng hóa (chè, cà phê, dâu tằm, mía, cây ăn quả, dược liệu, hương liệu, hoa, rau màu...) với quy mô thích hợp, gắn với công nghiệp chế biến có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, các tỉnh cần sớm hoàn thành việc giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy; thực hiện tốt việc gắn phát triển nương cố định với định canh, định cư và giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân. Phát triển giống mới, kỹ thuật mới, thâm canh, tăng vụ, tăng cường sử dụng đất và bảo tồn đất đai; coi trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, cơ sở nhân tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, phục vụ sản xuất hàng hóa và xóa đói giảm nghèo.