Tiếp tục chi trả hỗ trợ
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH để tiếp tục chi trả hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho trên 414 nghìn người lao động đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ theo quy định. Thời hạn thực hiện chi trả là 1 tháng, kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ. Trường hợp hết thời hạn nêu trên mà người lao động không đến nhận tiền hỗ trợ, hoặc không thể liên hệ được với người lao động thì coi như người lao động không có nhu cầu nhận hỗ trợ.
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc cho phép tiếp tục chi trả đối với người lao động đáp ứng đủ điều kiện và nộp hồ sơ đúng thời hạn theo quy định không ảnh hưởng tới mục tiêu của Nghị quyết nhằm tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đối tượng thụ hưởng của chính sách vẫn giữ nguyên, không thay đổi nên không nhất thiết phải thực hiện sửa đổi Nghị quyết theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến ngày 31/12/2021 là 61.459 tỷ đồng, dự toán thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 21.880 tỷ đồng, dự toán chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 25.585 tỷ đồng. Nếu tiếp tục chi trả cho người lao động đủ điều kiện và nộp hồ sơ đề nghị theo đúng quy định với số tiền khoảng 1.155 tỷ đồng thì dự kiến tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 26.740 tỷ đồng, kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2022 là 56.599 tỷ đồng.
“Sau khi tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động thì kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn, vì vẫn cao hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp người lao động đã đề nghị hưởng đúng thời hạn quy định đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và đề cao nguyên tắc chia sẻ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự công bằng tương đối giữa những người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ đã tuân thủ đúng các quy định của chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp - là “giá đỡ cho người lao động gặp khó khăn”. Từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Sau khi kết thúc chi trả hỗ trợ cho người lao động, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đây là sự kết hợp giữa quyền lợi đóng - hưởng của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt do tác động của đại dịch COVID-19, những vướng mắc trong việc triển khai chính sách đến từ phía các cơ quan có liên quan, không phải lỗi từ phía người lao động.
Mặc dù theo Tờ trình của Chính phủ, tiếp tục hỗ trợ cho trên 414 nghìn lao động thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn bảo đảm về cân đối, an toàn vì số dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 sau khi hỗ trợ cho người lao động vẫn cao hơn gấp 2 lần tổng chi năm 2021, song, cần thể hiện số liệu cụ thể chính xác, cập nhật hơn. Theo bà Nguyễn Thúy Anh, các số liệu này đang được tính trên dự toán thu - chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2022, chưa tính đến các khoản kinh phí dự kiến hỗ trợ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 và có thể chưa tính đến số tiền giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động trong 12 tháng (10/2021 - 9/2022) đã tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng so với khi đề xuất chính sách (9.104 tỷ đồng/8.000 tỷ đồng).
So với khi đề nghị ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, thực tế đã chi trả vượt 187.896 người, vượt 828 tỷ đồng, tính cả số người đã hoàn thành thủ tục mà chưa được nhận tiền, thì vượt 214.533 người và vượt 1.175 tỷ đồng. Việc chưa chi trả đối với những trường hợp đã được xét duyệt và những lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đúng hạn theo hướng dẫn nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đã tạo dư luận không tốt, giảm ý nghĩa của chính sách, gây ra áp lực rất lớn cho các cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết chế độ và cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương.
Tổng hợp các số liệu từ Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ, tổng số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ khoảng 41.063 tỷ đồng (dự kiến khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 là khoảng 38.000 tỷ đồng), vị Chủ nhiệm này phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị phải đánh giá toàn diện, tổng thể số tiền hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để thấy được tính hiệu quả của việc hỗ trợ này.
Nêu quan điểm bảo vệ và chăm lo quyền lợi người lao động, đảm bảo công bằng giữa những người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần khẩn trương chi trả hỗ trợ cho người lao động, khắc phục tình trạng chậm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn.
Chính phủ đề nghị thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ là một tháng kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Ủy ban Xã hội nhận thấy, với số đối tượng đã rõ ràng (trong đó có 119.357 người đã phê duyệt hồ sơ) và nguồn kinh phí tiếp tục được lấy từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (nguồn kinh phí đã có) thì thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ không nên quá một tháng. Để kịp thời hạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện hỗ trợ này tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2022 làm cơ sở báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, thì quy định chậm nhất 10/9/2022 phải hoàn thành việc hỗ trợ là phù hợp.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các địa phương trong rà soát, thông tin đến các đối tượng thụ hưởng mà chưa liên hệ được (theo Tờ trình khoảng 8.700 đối tượng) bảo đảm quyền lợi công bằng và thực hiện hỗ trợ đến được hết các đối tượng. Đồng thời, có giải pháp xử lý đối với những trường hợp vì lý do bất khả kháng mà không nhận được hỗ trợ, tránh để xảy ra khiếu kiện.
Ngoài chính sách này, cần rà soát tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được ban hành trước và sau thời điểm ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, nhất là các chính sách hỗ trợ có điều kiện (như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay để trả lương cho người lao động) để khắc phục các hạn chế, xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm hiệu quả, tính kịp thời và mục tiêu của chính sách, tạo lòng tin trong nhân dân.
Đồng tình với đề nghị của Chính phủ, quan điểm của Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chính sách không thay đổi, qua quá trình triển khai hiện còn sót lại một số đối tượng chưa thực hiện chi trả vì vượt quá số tiền theo Nghị quyết, vấn đề là tập trung giải quyết sớm cho dứt điểm. Ông cũng nhận định, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 là một trong những nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cùng với Chính phủ làm rất nhanh, rất trúng và rất cần thiết. Các nước đánh giá rất cao việc này.
Trong phiên họp chiều 11/8, đa số ý kiến Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết tiếp tục chi trả, hỗ trợ cho những người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách đúng hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.