Cơ hội tiếp cận BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức còn thấp

Mạng lưới vì người lao động di cư (M.net) phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) và Tổ chức Oxfam tổ chức hội thảo “Bảo hiểm xã hội tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức” vào ngày 21/12.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hổi thảo.

Theo đó, tỷ lệ người tham tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tăng mạnh từ năm 2019 đến nay nhưng tỷ lệ bao phủ mới đạt trên 2%/tổng số người trong độ tuổi lao động, nếu tính cả bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm mới chiếm khoảng trên 33%. Do tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp, tương lai những người này sẽ "lọt khỏi lưới" an sinh xã hội, không có nguồn thu nhập ổn định khi về già.

PGS, TS Giang Thanh Long, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong những năm gần đây, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng dần, nhưng so với tổng số người lao động ở khu vực phi chính thức, thì con số này còn thấp. Nguyên nhân là do người lao động trong khu vực này chưa có đủ năng lực tài chính để tham gia BHXH. Bên cạnh đó, thời gian tham gia dài (20 đến 25 năm) và chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất nên chưa hấp dẫn người tham gia.

“Bên cạnh đó, bản thân người lao động đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến thu nhập. Chính vì lý do đó, cơ quan chức năng nên có chính sách hỗ trợ và những quy định linh hoạt về thời gian đóng, mức đống để lao động phi chính thức thấy khi đóng BHXH tự nguyện rồi, họ vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, khi Chính phủ có chính sách và cách thức tổ chức thực hiện chính sách BHXH phù hợp hơn thì số người lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức sẽ có khả năng gia tăng nhanh chóng”, PGS, TS Giang Thanh Long nhận định.

Clip PGS,TS Giang Thanh Long trả lời về giải pháp phát triển BHXH tự nguyện:

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, định hướng chính sách đến năm 2030, Chính phủ sẽ sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách nhằm đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ; cải cách trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách nhằm củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống BHXH. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức; tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện và bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện trưởng Viện LIGHT cho rằng: “Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là: Diện bao phủ - Tính đầy đủ và Tính bền vững. BHXH là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Cho nên, với tỷ lệ bao phủ của BHXH còn thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện còn ít trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trong lớn trong cơ cấu việc làm nên việc điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do, việc thực thi chính sách cần tạo điều kiện và hiệu quả hơn, truyền thông cần dễ hiểu và đúng đối tượng hơn, cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các nhóm đối tượng hưởng lợi vào quá trình xây dựng và thực thi, giám sát đánh giá”.

XM/Báo Tin tức
Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để có mức lương hưu tối đa?
Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để có mức lương hưu tối đa?

Bạn đọc hỏi: Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được hưởng lương hưu mức tối đa?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN