Tại Công văn số 450/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ, đối tượng người nước ngoài nhập cảnh là người nước ngoài được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; riêng đối với người nước ngoài vào du lịch, trước mắt, tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Thẩm quyền, thủ tục xét duyệt nhập cảnh: Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định của Chính phủ số 82/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2015, mà không phải làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, cấp thị thực/giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương.
Đối với người nước ngoài chưa có thị thực: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục xem xét phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh để làm việc, dự hội nghị, hội thảo, học tập, nhân đạo... trên địa bàn tỉnh; các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Trung ương chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài làm việc với cơ quan mình.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an rà soát các trường hợp cấm nhập cảnh mới được bổ sung thời gian vừa qua, thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có hình thức hủy các loại giấy tờ nhập cảnh Việt Nam đã được cấp; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh để triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn y tế của Việt Nam.