Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 5/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chú thích ảnh
Lớp học cho trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được tổ chức ngay tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (Ảnh chụp tháng 3/2021). Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Chiến lược nêu quan điểm, mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng với dinh dưỡng và thực phẩm để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, góp phần nâng cao sức khỏe. Thực hiện dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì thường xuyên trong suốt cuộc đời của mỗi người nhằm nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng hợp lý, điều tiết, phân bổ nguồn lực can thiệp để cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại một số vùng miền đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, hải đảo.  

Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời: Tỷ lệ trẻ 6 - 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 65% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm mức độ nặng và vừa giảm dưới 8% (khu vực miền núi xuống dưới 25%) vào năm 2025 và dưới 5% (khu vực miền núi dưới 20%) vào năm 2030. Tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 60% ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn vào năm 2025 và phấn đạt 90% và 80% vào năm 2030.  

Tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện vào năm 2025 và phấn đấu đạt 100% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 80% đối với tuyến huyện vào năm 2030.  

Tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 50% vào năm 2025 và đạt 75% vào năm 2030.  

Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên, Chiến lược đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 17% (khu vực miền núi dưới 28%) vào năm 2025 và dưới 15% (khu vực miền núi dưới 23%) vào năm 2030. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5% vào năm 2025 và dưới 3% vào năm 2030. Đến năm 2030, chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi theo giới tăng từ 2-2,5cm đối với nam và 1,5-2 cm đối với nữ so với năm 2020. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm sau khi sinh đạt mức 75% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. Tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030.  

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng nêu mục tiêu kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ; nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và tăng cường nguồn lực thực hiện Chiến lược; trong đó có việc nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có i-ốt hằng ngày tăng lên trên 80% vào năm 2025 và trên 90% vào năm 2030.  

Đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có kế hoạch ứng phó, tổ chức đánh giá, triển khai can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu trong tình huống khẩn cấp và duy trì đến năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045, mọi người dân đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng nhằm góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.  

Nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra trong Chiến lược này, đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng, xây dựng chính sách, cơ chế tài chính bao gồm cả việc chi trả của bảo hiểm y tế cho các hoạt động dinh dưỡng trong cơ sở y tế và trường học. Xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm, thừa cân béo phì của trẻ dưới 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương.  

Nhà nước đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động dinh dưỡng từ ngân sách ở trung ương và địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trong đó, tiếp tục bố trí ngân sách cho hoạt động dinh dưỡng trong các chương trình Mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện Chiến lược ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở nghiên cứu, đào tạo về dinh dưỡng, tăng cường năng lực hệ thống quản lý và triển khai hoạt động dinh dưỡng theo quy định.

V.T/Báo Tin tức
Trẻ em, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo tại Hà Nội được hỗ trợ như thế nào?
Trẻ em, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo tại Hà Nội được hỗ trợ như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Trẻ em, người cao tuổi thuộc hộ nghèo tại Hà Nội được hỗ trợ như thế nào? Tôi là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo tại khu vực ngoại thành Hà Nội được hỗ trợ mức ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN