Nghị quyết 19/2017 thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Sức nóng cải cách từ Nghị quyết 19 đang giúp hun đúc thêm ngọn lửa của tinh thần khởi nghiệp trong toàn dân, nhất là ở những lớp người trẻ tuổi.

Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được triển khai liên tục suốt 4 năm qua, đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng thể chế, sửa đổi và ban hành pháp luật. Qua đó, từng bước cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời gia tăng số doanh nghiệp trong nước cả về lượng và chất.

Nghị quyết 19 đang giúp hun đúc thêm ngọn lửa của tinh thần khởi nghiệp trong toàn dân. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành liên tục trong những năm qua đã ghi nhận được nhiều thay đổi rõ nét từ các địa phương. Đặc biệt là khi 63 tỉnh, thành trên cả nước đã ký cam kết với VCCI về Chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp. 

Dựa trên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà VCCI tiến hành khảo sát trong những năm qua cho thấy, nhiều địa phương tích cực đã triển khai chấm điểm đến từng sở, ngành; quận, huyện; xã phường và đến từng công chức, căn cứ theo những đánh giá, ghi nhận của người dân, của doanh nghiệp như ở Hòa Bình, Tuyên Quang…. 

Ông Lộc cho biết thêm, một số địa phương đã thành lập trung tâm hành chính công, tổ chức lại cơ quan xúc tiến đầu tư theo mô hình mới, kết hợp với thực hiện Chính phủ điện tử; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ngoài các kênh đối thoại chính thức giữa lãnh đạo chính quyền với doanh nghiệp, khuyến khích thêm cơ chế đối thoại không chính thức như mô hình “cà phê doanh nhân” mà nhiều địa phương đang thực hiện, có thể là kinh nghiệm tốt nên nhân rộng. 

Trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu đang diễn ra ngày càng sâu, rộng, đòi hỏi những chuẩn mực mới và sự định vị mới về lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp và những người sắp trở thành doanh nhân cần thay đổi tư duy nhìn nhận và xây dựng kế hoạch đúng hướng cho tương lai. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, nhận định rằng, hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đều đang có những chính sách hữu ích nhằm tạo cơ hội tốt nhất để hỗ trợ khởi nghiệp. Ngay một số điều khoản trong Luật Hình sự về kinh doanh công nghệ (IT) cũng đã được Chính phủ xem xét gỡ bỏ. Điều đó chứng tỏ tính cầu thị và sự ủng hộ của Chính phủ để tạo lập nên một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. 

Các bộ, ngành cũng đang vào cuộc hết sức tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam đi sau rất nhiều nước tiên phong về khởi nghiệp tiêu biểu như Isarel nên rất cần những thay đổi về tư duy khởi nghiệp một cách rõ ràng hơn. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều người đang có tư duy về khởi nghiệp rất khác nhau. Người ta thường nghĩ startup là cái gì đó gắn với sáng tạo, hay liên quan tới công nghệ thông tin (high-tech)… 

Trong khi có đến 98% những lĩnh vực khác đều có thể mang lại thành công cho các startup, bà Minh nói. Thực tế cho thấy, vài năm gần đây, không chỉ những doanh nghiệp lớn đang đổ tiền đầu tư vào làm nông nghiệp sạch và các sản phẩm du lịch, mà kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này. 

Giới trẻ khởi nghiệp, giờ không tìm cách bám thành phố như trước, họ đã về quê, trồng nấm và làm thực phẩm sạch... như dự án TeaHouse Hanoi là một ví dụ điển hình. Bạn trẻ Ngô Thu Huyền, đại diện thế hệ 8X là sáng lập viên của doanh nghiệp này. Tuy dự án chỉ mới được triển khai chưa đầy 1 năm, song kết quả thu được không chỉ là sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, mà còn là tích lũy kiến thức về thị trường, về quan hệ khách hàng… 

Thu Huyền cho rằng, ý tưởng sáng tạo hay để tạo lập những doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự ủng hộ, nâng đỡ và tạo điều kiện của gia đình, của bạn bè, của chính quyền và các đơn vị, bộ, ngành có liên quan. Vấn đề thiếu vốn chỉ là một trong rất nhiều khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. 

Khởi nghiệp, đương nhiên là mô hình nhỏ, nhưng các quy định về đăng ký kinh doanh, tính thuế… áp dụng cho những mô hình startup cũng chưa có những quy định cụ thể và riêng biệt, khiến cho nhiều bạn trẻ có ý định khởi nghiệp còn băn khoăn và lo lắng. Nghị quyết 19/2017 đã quy định rất chi tiết những nội dung, yêu cầu đối với các bộ, ngành và địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển nhân rộng, thì rất cần sự ủng hộ của chính quyền từng địa phương; mà cụ thể là những chính sách riêng biệt phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi tỉnh, thành phố khác nhau. 

Ông Đoàn Ngọc Vui, Phó giám đốc Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang và luôn rất cần môi trường kinh doanh thuận lợi, nơi có hệ sinh thái thuận cho sự đổi mới và sáng tạo, thuận cho việc ra quyết định dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh. 

Một môi trường kinh doanh đảm bảo tính minh bạch và liêm chính. Bởi lẽ, “trong một môi trường minh bạch, liêm chính, các hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật được bảo vệ, thì doanh nghiệp sẽ yên tâm hoạt động. Đó cũng là hạt giống gieo niềm tin ở chính những doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Vui chia sẻ.

Thạch Huê (TTXVN)
Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả ở Ninh Bình
Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả ở Ninh Bình

Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, được đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN