Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả ở Ninh Bình

Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, được đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng.

Đến nay đã có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công góp phần động viên, khuyến khích các đoàn viên thanh niên khác cùng tham gia sôi nổi.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch 

Sinh năm 1986, ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đoàn viên Ngô Thái Dương là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công khi đã xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Mô hình đã giúp mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Dương và tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng. 

Theo học nghề cơ khí, anh Ngô Thái Dương có cơ hội được đi theo công trình ở Trung Quốc và có mức thu nhập ổn định. Trong suốt những năm tháng xa quê hương, sẵn có đam mê đối với nông nghiệp đến đâu anh cũng mày mò tìm hiểu về việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

Anh Ngô Thái Dương chăm sóc và kiểm tra chất lượng dưa chuột.

Mặc dù có thu nhập cao từ nghề cơ khí nhưng anh vẫn luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu từ chính đam mê của mình tại quê nhà và làm chủ công việc của bản thân. Cuối năm 2015, sau thời gian dài suy nghĩ, tìm hiểu anh quyết định đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào sản xuất nông sản bao gồm rau củ quả an toàn. 

Với hơn 1 mẫu ruộng ban đầu của gia đình và nguồn vốn vay ít ỏi từ người thân, anh Dương quyết định đào ao thả cá và trồng một số cây hoa màu và cây ăn quả ngắn ngày như táo, ổi… Không có nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian đầu, anh Dương phải tự tìm hiểu các tài liệu về nông nghiệp trên mạng Internet và tham gia các lớp tập huấn thanh niên làm nông nghiệp giỏi của xã, hay Huyện đoàn. 

Trải qua không ít khó khăn ban đầu, đến năm 2016 trên diện tích 3 ha gia đình anh đã cho thu hoạch được hàng chục tấn rau củ quả sạch cho thu nhập hơn 200 triệu đồng và nguồn thu gần 100 triệu đồng từ ao cá, chăn nuôi. Từ thành công bước đầu của mô hình, anh Dương quyết định đấu thầu thêm đất của các hộ trong xã theo chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. 

Trong năm 2017, anh đầu tư mở rộng diện tích ra 6 ha, trồng thêm nhiều loại rau củ quả trái vụ. Anh Dương cho biết: “Mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình tôi tập trung vào sản xuất an toàn, sạch. Chính vì vậy thời gian tới tôi sẽ tìm hướng liên kết với các công ty xuất khẩu và các siêu thị để đảm bảo đầu ra ổn định và tiêu thụ sản phẩm sạch với giá cao”. 

Anh Dương chia sẻ, khó khăn nhất trong khởi nghiệp của thanh niên hiện nay là nguồn vốn và đầu ra của sản phẩm. Vì vậy bản thân anh nói riêng và nhiều thanh niên khác nói chung rất mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa về nguồn vốn để khởi nghiệp. 

Từ thành công bước đầu của mô hình, đầu tháng 3/2017, mô hình khởi nghiệp của anh Dương đã được Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình cùng một số doanh nghiệp về tham quan, khảo sát để hỗ trợ nguồn vốn vay giúp anh ổn định và mở rộng sản xuất. 

Làm giàu từ sản xuất than củi trấu 

Từ vỏ trấu, một phụ phẩm nông nghiệp mà nhiều nông dân bỏ đi, anh Tống Văn Chính, xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã tận dụng, ép thành củi trấu, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Với tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1990), song anh Chính đã có trong tay một nhà xưởng sản xuất than củi trấu lớn, uy tín trong và ngoài tỉnh. 

Sau khi được bạn bè giới thiệu và tìm hiểu trên mạng Internet anh Chính nhận thấy mô hình sản xuất than củi trấu sẽ là hướng đi rất phát triển không những cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng mà còn phù hợp với điều kiện ở các vùng quê. 

Năm 2010, được họ hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho mượn diện tích để làm nhà xưởng, anh Chính đã quyết định vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trên diện tích 300 m2 anh đã đầu tư 220 triệu đồng vào việc xây nhà xưởng và mua máy móc. Anh Chính cho biết: “Vì nguồn vốn đầu tư không nhiều nên tôi phải mua lại máy cũ. Sau khi mua về tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và cải tiến cho phù hợp, hạn chế chi phí và tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường”. 

Trải qua những khó khăn ban đầu trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, đến nay, sản phẩm than củi trấu do cơ sở của anh Chính sản xuất đã bắt đầu được ưa chuộng vì dễ bén lửa, nhiệt cao, duy trì được lâu và không gây ô nhiễm môi trường. Do than củi trấu hoàn toàn có thể phục vụ trong sản xuất công nghiệp như đốt lò hơi, lò sấy, chế biến nông sản, thực phẩm, đặc biệt về khía cạnh kinh tế, việc sử dụng than củi trấu có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại chất đốt khác như than đá, củi, ga nên sản phẩm đầu ra của cơ sở anh Chính xuất bán rất ổn định cho các công ty xi măng ở Thái Bình, Hà Nam… và một số cơ sở nhỏ lẻ khác trong tỉnh. 

Năm 2016, cơ sở sản xuất than củi trấu của anh Chính xuất hơn 400 tấn sản phẩm đem về tổng doanh thu hơn 800 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Chính còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 nhân công với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Thời gian tới, ngoài việc muốn tiếp tục mở rộng diện tích nhà xưởng để sản xuất, anh Chính còn có ý định nhân rộng mô hình sản xuất than củi trấu ra nhiều địa phương lân cận, đặc biệt là những vùng nông thôn, góp phần giải quyết bài toán phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời tạo thêm cơ hội để thanh niên nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. 

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Chính cho biết: “Một trong những yếu tố giúp thanh niên khởi nghiệp thành công đó là phải có sự mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm, thường xuyên học hỏi kiến thức, đặc biệt cần có sự kiên trì, cố gắng”. Cũng như nhiều đoàn viên thanh niên khởi nghiệp khác, anh Chính cũng rất mong được hỗ trợ, tiếp cận các khoản vốn vay để phát triển sản xuất. 

Khẳng định hiện nay đã có rất nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình Trần Văn Bách cho biết: “Nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên Ninh Bình nói riêng hiện nay là rất lớn. Trong đó, vấn đề thanh niên quan tâm nhất hiện nay là mong muốn được hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, tiếp cận được các nguồn vốn vay. 

Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Ninh Bình cũng như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã có rất nhiều chương trình, chính sách cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. 

Thời gian tới, Tỉnh đoàn Ninh Bình sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực tham gia thực hiện phong trào "Tuổi trẻ Ninh Bình chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Bải và ảnh: Thùy Dung (TTXVN)
Ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam
Ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam

Ngày 3/3, UBND tỉnh Quảng Nam ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo tại TP Hội An, thực hiện theo tinh thần Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN