Đồng hành cùng doanh nghiệp Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp" của hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức gồm trực tiếp và trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát một số công trình đang xây dựng của Tập đoàn Vingroup tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hôm 14/4. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Dự kiến hội nghị có khoảng 2.000 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 1.500 đại biểu, cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa, một số sứ quán và các định chế tài chính lớn, các cơ quan nhà nước, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu doanh nghiệp, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu.
Hội nghị sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (những mặt được, mặt chưa được và nguyên nhân); đề xuất những giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Dự kiến, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết 35.
Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Buổi họp báo dự kiến diễn ra vào 17 giờ.
Gỡ vướng về thể chế, chính sách Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Hồ Sỹ Hùng cho biết, năm qua, Chính phủ đã triển khai quyết liệt các nội dung của Nghị quyết 35 gồm: Nội dung về chính sách các bộ, ngành phải điều chỉnh sửa đổi, địa phương phối hợp triển khai thực hiện và giải đáp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Chính phủ đã lập trang web tiếp nhận ý kiến các doanh nghiệp, đến tháng 3/2017 đã tiếp nhận 411 kiến nghị của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ trực tiếp xử lý 66 kiến nghị, gửi đến các bộ, ngành 345 kiến nghị. Trong đó, đã giải đáp trực tiếp 255/345 kiến nghị.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, có 75% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá có chuyển biến tích cực/tương đối tích cực/rất tích cực của các cơ quan chính quyền. Số còn lại đánh giá chuyển biến còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng lên nhanh, số doanh nghiệp phục hồi trở lại cũng tăng lên, tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cũng tăng. Điều đó cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn rất khó khăn với doanh nghiệp.
Theo khảo sát của VCCI, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2016 đánh giá chung có khởi sắc hơn so với năm 2015. Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh cũng tốt hơn so với năm 2015, ông Lộc cho hay.
Theo ông, qua điều tra, 48% doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong hai năm tới, điều đó tương đồng với tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh trong khu vực FDI. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự tích cực của các cơ quan chính quyền các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm 2016 là năm có đột phá về tư duy, quan điểm và cách thức hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù vậy, sự chuyển biến về tư duy, về cách thức, tinh thần phục vụ doanh nghiệp trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn có độ trễ nhất định. Nhiều việc cần có sự thay đổi về thể chế. Nhiều vấn đề doanh nghiệp vướng mắc liên quan đến pháp luật chứ không chỉ ở vấn đề điều hành.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là một thách thức. Tuy nhiên, nếu cộng con số cam kết của các địa phương thì đến năm 2020 có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp, do đó, có thể kỳ vọng vào con số 1 triệu doanh nghiệp. "Lời giải" cho con số 1 triệu doanh nghiệp có thể là hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp siêu nhỏ. Để làm được việc này, nên có chính sách đơn giản hơn, thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.
Ông Lộc cũng đưa ra một thực tế là việc giảm chi phí cho doanh nghiệp chưa có nhiều tiến bộ. Ngân hàng có giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn hay không lại là vấn đề khác. Các chi phí khác được doanh nghiệp kiến nghị nhiều, đặc biệt là chi phí bảo hiểm, logistic. Việc giảm chi phí cho doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng.
Doanh nghiệp phàn nàn nhiều về thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, ông Lộc thông tin thêm.
Theo ông Hồ Sỹ Hùng, bên cạnh việc giải đáp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp, vấn đề quan trọng, căn cơ hơn là phải cải thiện chính sách và cách thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, chuyển từ cung cách quản lý sang cung cách ứng xử phục vụ, hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.
Trước đề cập của báo chí về việc lô thuốc ung thư hết hạn phải tiêu huỷ mà nguyên nhân là do tắc nghẽn về thủ tục hành chính tới 6 tháng ở UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 7 tháng ở Cục Quản lý Dược, đến khi được thông qua thì hết hạn và phải tiêu huỷ, ông Lê Mạnh Hà cho rằng “Vụ việc tưởng nhỏ mà giải quyết hơn 1 năm ở các cơ quan rõ ràng là không bình thường”.
Còn ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận đây là “đỉnh cao của hành vi vô cảm”, thiếu trách nhiệm, gây tác động rất lớn. Đây chỉ là một vụ điển hình, còn hành vi đó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nước ta với nhiều mức độ khác nhau. Đôi khi các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính. Sự chậm trễ thời gian đôi khi dẫn đến sự thua lỗ, phá sản của doanh nghiệp.
Ngày xưa có câu “Quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang”, giờ thì câu ấy ngược lại “Dân có cần nhưng quan chưa vội, dân có vội dân lội dân sang”, nhưng dân không vượt qua được thủ tục hành chính, đó chính là cái bế tắc. Đây là hiện tượng phổ biến, từ đó cho thấy cần nâng cao trách nhiệm của công chức trong bộ máy hành chính, ông Lộc nói.