Làm tốt công tác xã hội hóa để phong trào, hoạt động của người cao tuổi được nâng cao

Chiều 19/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2017 của Ủy ban.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, công tác người cao tuổi trong năm 2017 được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện. Các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi; chỉ đạo Ban Công tác người cao tuổi triển khai thực hiện các chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020 tại địa phương.

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 10,95% dân số (so với năm 2016, tăng 115.100 người). Trong đó, 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên, chiếm 18,7% tổng số người cao tuổi. Hơn 2 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.

Bên cạnh đó, hơn 9,3 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (92,8%), cao hơn tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là 79,69 triệu người (85%). Hơn 132 nghìn lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ, 390 nghìn lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường sắt, 3.370 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường hàng không...

"Chung sức vì người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa", nhiều hoạt động được các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong "Tháng hành động vì người cao tuổi". Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã vận động được tổng số tiền là 164,4 tỷ đồng; tổ chức được 56.095 lần khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 2,1 triệu người; tổ chức 24.980 hoạt động thể dục thể thao, với hơn 1,6 triệu người cao tuổi tham gia.

Hiện, cả nước có 97 bệnh viện Trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa; 918 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; 8.173 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 1.693 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa; 912.357 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm/lần do trạm Y tế xã tổ chức; hơn 1,2 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 61.609 lượt người cao tuổi bị bệnh nặng được nhân viên y tế đến nhà chăm sóc; 202.377 lượt người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Trên 71.000 câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao thu hút 3 triệu người cao tuổi tham gia. 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Kế hoạch nhân rộng mô hình câu lạc bộ. Các loại quỹ của người cao tuổi ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Cả nước có 9.617/11.161 xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi; triển khai các hoạt động đối với người cao tuổi còn chậm. Việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở nhiều địa phương còn chậm do chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền, khó khăn về kinh phí trong tổ chức thực hiện. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân dầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi...

Thảo luận về việc thực hiện một số nhiệm vụ còn kém hiệu quả, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách hỗ trợ nhóm người cao tuổi thuộc hộ nghèo từ 75-80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi tại địa phương. Các đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu, xây dựng mô hình và bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi để chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số nhanh ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi của các bộ, ngành. Đối với những vẫn đề còn băn khoăn, chưa được tháo gỡ, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành cần căn cứ quy định của pháp luật để triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, đặc biệt đối đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, các bộ, ngành liên quan cần linh hoạt trong phương thức hoạt động để người cao tuổi được chăm sóc, phát huy vai trò một cách tốt nhất.

Hướng chăm sóc người cao tuổi tốt nhất phải phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng, làm tốt công tác xã hội hóa để phong trào, hoạt động của người cao tuổi được nâng cao - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo một số bộ, ngành làm rõ nguyên nhân nhiều nơi chưa thực hiện khám định kỳ cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; vướng mắc triển khai hoạt động của Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khẩn trương ban hành văn bản đôn đốc địa phương, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Người cao tuổi đối với công tác chăm sức khoẻ ban đầu, các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với người cao tuổi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia thích ứng với già hóa dân số theo tinh thần của các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII): Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Phúc Hằng (TTXVN)
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 2 - Xã hội hóa các viện dưỡng lão
Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi: Bài 2 - Xã hội hóa các viện dưỡng lão

Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác chăm lo sức khỏe, đời sống người cao tuổi vẫn còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập các trung tâm dưỡng lão, tham gia vào chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trở thành xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để dịch vụ này phát triển, rất cần sự hỗ trợ, nỗ lực từ nhiều phía.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN