Bên cạnh đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 9 tới cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước tiến mới cho quan hệ hai nước.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Phạm Vinh Quang đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta:
Đại sứ đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác của Việt Nam và Indonesia sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013 và trong 5 năm qua, hai bên đã đạt được những kết quả gì ?
Việt Nam và Indonesia đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, qua đó 5 năm đã đạt được rất nhiều thành tựu. Mối quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Indonesia phát triển rộng khắp trên các cấp, các lĩnh vực. Hai bên đã thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Lãnh đạo Việt Nam coi trọng mối quan hệ đối tác chiến chiến lược đặc biệt. Năm 2017 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử Indonesia, tạo bước ngoặt đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, phát triển lên một tầng mới.
Cũng trong năm 2017, Tổng thống Indonesia Jokowi đã đến Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC và năm 2018 hai bên đang làm các bước chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Jokowi vào đầu tháng 9/2018. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước rất quan trọng của Indonesia. Bên cạnh các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng thường xuyên có các chuyến thăm và tiến hành các cuộc họp thường kỳ cơ chế Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao.
Bên cạnh cơ chế hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên còn có cơ chế hợp tác trong Ủy ban hỗn hợp Kinh tế, Khoa học, Công Nghệ và Kỹ thuật. Ngoài ra, hai bên cũng có cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành. Việt Nam – Indonesia còn hợp sâu rộng trong lĩnh vực Quốc phòng và An ninh. Hai bên đã có cơ chế thiết lập trao đổi đoàn giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, Tổng tham mưu trưởng hai nước, đồng thời ký các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bộ Quốc phòng Việt Nam và Indoensia cũng như hợp tác giữa các binh chủng, giữa Hải quân, Cảnh sát biển của Việt Nam với các đơn vị tương đương của Indonesia.
Ngoài ra quan hệ hai bên còn được mở rộng ở các lĩnh vực như du lịch, hợp tác văn hóa xã hội, thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân hai nước. Đấy là các thế mạnh mà hai bên có thể phát huy thường xuyên. Về những kết quả cụ thể, lĩnh vực đầu tiên phải kể đến thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Đã có sự tăng đột biến, từ năm 2012 đến năm 2017, thương mại hai nước đã tăng 4 lần. Năm 2017, thương mại hai nước đạt 6,7 tỷ USD với đà tăng trưởng mỗi năm tăng 6,5%. Riêng năm 2017 tăng 16%. Hai bên đều coi trọng lĩnh vực thương mại.
Thương mại giữa Indonesia với Việt Nam còn cao hơn giữa Indonesia với một số nước như Anh, Pháp…. Indonesia đã triển khai đầu tư vào Việt Nam, triển khai dự án Nhà máy sản xuất xi măng mang tên Thăng Long tại Việt Nam, triển khai dự án khai thác than và các dự án liên quan đến lĩnh vực khai khoáng. Ngoài ra, từ lâu Indonesia đã đầu tư dự án Ciputra, dự án trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Indonesia cũng đang đầu tư xây dựng dự án bệnh viện quốc tế tại Hà Nội. Đây là những kết quả rất cụ thể.
Tiềm năng du lịch của hai nước cũng đã được thúc đẩy. Số lượng khách du lịch giữa hai bên tuy chưa đạt con số mong muốn nhưng với việc thiết lập đường bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Jakarta, đến nay số lượng khách du lịch Indonesia đến Việt Nam đạt khoảng 70,000 lượt khách/năm, khách du lịch Việt Nam đến Indonesia khoảng 50,000 lượt người/năm. Đây là lĩnh vực tiềm năng mà hai bên đang tiếp tục hướng tới và nếu hai bên thiết lập được đường bay thẳng giữa Hà Nội và Jakarta, việc này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy du lịch và thương mại cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước trong thời gian tới. Đó là những điểm nổi trội mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua.
Theo ông, những thách thức nào đang đặt ra cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia trong bối cảnh có nhiều chuyển động mới trong cục diện khu vực và thế giới ?
Theo tôi, quan hệ Việt Nam - Indonesia không có nhiều thách thức, trái lại hai nước có rất nhiều thuận lợi. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia được xây dựng nhờ sự nỗ lực, dày công vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Shoecarno, hai bên đã có sự gắn kết trong nguyên tắc đường lối đối ngoại chẳng hạn như trong đường lối đối ngoại cơ bản của Indonesia, Indonesia nhấn mạnh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng giữa mối quan hệ với các nước lớn để đảm bảo sự tự do, độc lập trong chính sách đối ngoại của mình, tham gia vào quá trình xây dựng chung, xây dựng cơ chế an ninh trong khu vực… điều đó hoàn toàn trùng với chính sách đối ngoại của Việt Nam đó là độc lập tự chủ nhưng đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào các cơ chế khu vực, lấy ASEAN làm nền tảng….đó là những điểm đồng và điểm thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Hai nước Việt Nam và Indonesia cũng là nước lớn trong khu vực, nền kinh tế của hai nước cũng là hai nền kinh tế lớn trong khu vực. Indonesia là quốc gia đông dân với khoảng 260 triệu dân và có nền kinh tế xếp vị trí thứ 14-15 trên thế giới và là thành viên thường xuyên của G20 do đó rất có thế mạnh. Việt Nam và Indonesia có nhiều cơ hội hợp tác với nhau, đóng góp không chỉ cho quan hệ hai nước mà đóng góp cho khu vực. Còn thách thức trong quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam là thách thức do bối cảnh quan hệ bên ngoài, do tình hình an ninh khu vực diễn biến nhanh chóng, nhiều phức tạp và có sự cọ sát về lợi ích chiến lược giữa các nước lớn.
Trên lĩnh vực kinh tế, một số quốc gia đang có ý định rời khỏi việc thúc đẩy tự do hóa, thương mại hóa chuyển sang bảo hộ cho nền kinh tế và xu hướng bảo hộ nội địa cũng tăng lên. Vậy trong bối cảnh thách thức đó, Việt Nam và Indonesia phải biến thách thức thành cơ hội để xây dựng ASEAN mạnh, đoàn kết, giải quyế hòa bình các xung đột trong khu vực, xây dựng một cơ chế hợp tác an ninh khu vực cũng như cộng đồng kinh tế chung của ASEAN để làm sao đó đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực cũng như phát triển kinh tế thịnh vượng, luôn theo chiều hướng thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực.
Còn nhiều tiềm năng và lợi thế của hai nước nếu được phát huy một cách hiệu quả hơn sẽ mang lại những lợi ích to lớn hơn cho cả hai bên, vậy hai nước sẽ tập trung vào những vấn đề nào để đạt được điều này trong những năm tiếp theo, thưa Đại sứ?
Điều quan trọng nhất là hai bên đã có mối quan hệ đối tác chiến lược và đã được phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua. Nhiệm vụ của chúng ta là thời gian tới phải đưa mối quan hệ đối tác chiến lược này đi vào chiều sâu. Đó là mục tiêu mà cả hai bên đang thúc đẩy và xây dựng một chương trình hành động mới cho 5 năm tới từ năm 2019 đến năm 2023.
Trong đó, vấn đề đầu tiên được xác định là phải đưa quan hệ chính trị, ngoại giao vào chiều sâu, xác định đây là nền tảng, thông qua việc hình thành các cơ chế mới như việc mở rộng trao đổi cấp Thứ trưởng Quốc phòng giữa hai nước, đồng thời tăng cường ký kết các Biên bản ghi nhớ (MoU), thỏa thuận hợp tác giữa Hải quân với Hải quân, cảnh sát biển với cảnh sát biển. Thúc đẩy sâu hơn hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn của Việt Nam, cụ thể là Cục hải sản của Việt Nam với Bộ nghề cá của Indonesia. Về lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại, chúng ta sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để đưa tổng mức thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó cần xử lý những rào cản, tạo điều kiện thông thoáng để các sản phẩm nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường rất lớn của Indonesia. Hiện tại phía Indonesia rất cần các mặt hàng này, tuy nhiên những rào cản về an toàn thực phẩm đang ảnh hưởng đến chúng ta. Nếu tháo bỏ được, chúng ta sẽ đạt được những bước tiến. Hai bên cũng đang tìm cách thúc đẩy, tăng cường đầu tư, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng.
Chúng ta cũng đang nghiên cứu để các công ty Việt Nam có thể xây dựng cơ sở hạ tầng ở Indonesia. Việt Nam có kinh nghiệm trong việc xây dựng thủy điện, trong khi Indonesia đang thiếu năng lượng. Việt Nam cũng có thể đưa lao động của Việt Nam sang để thực hiện các dự án lớn. Ngoài ra chúng ta có thể thúc đẩy tiềm năng du lịch. Cả hai nước đều có cảnh quan và nền văn hóa rất lâu đời, do vậy có nền tảng để thúc đẩy du lịch cũng như giao lưu văn hóa giữa hai nước. Đồng thời có nhiều điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho nhau trong lĩnh vực giáo dục.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ sang Việt Nam tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 và thăm chính thức Việt Nam, Đại sứ đánh giá như thế nào về chuyến thăm này?
Như tôi đã nói, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Jokowi là chuyến thăm cấp nhà nước, là chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, được tiếp nối theo chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2017. Chuyến thăm cấp nhà nước lần này của Tổng thống Jokowi có ý nghĩa đặc biệt, tổng kết lại giai đoạn 5 năm mà hai nước đã phát triển và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời đưa ra một kế hoạch dự kiến sẽ được ký kết trong dịp này, đó là chương trình hành động cho 5 năm tới, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu trong bối cảnh quan hệ hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ tìm ra và xác định hướng đi mới, giải quyết vấn đề mới đặt ra cho hai nước đó là phối hợp hành động trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam và Indonesia đã có những chia sẻ về quan điểm chung không chỉ đối với tình hình an ninh khu vực mà còn tại các diễn đàn khác nhau. Đó là những cơ hội để hai bên phối hợp hành động, chẳng hạn như Việt Nam và Indonesia có thể phối hợp với nhau tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2018, Indonesia vừa trúng cử trở thành thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và từ đầu năm 2019 sẽ đảm nhiệm vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Nhiều khả năng, Việt Nam cũng sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sau Indonesia 1 năm. Như vậy cả hai nước sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng nhau hợp tác. Trong một số lĩnh vực, Indonesia đi đầu trong ASEAN và Việt Nam cũng là quốc gia tích cực thúc đẩy trong ASEAN. Mục đích chung của hai nước là muốn xây dựng một ASEAN đoàn kết, lấy ASEAN làm trung tâm, tăng cường đóng góp cho ASEAN giải quyết hòa bình các vấn đề an ninh khu vực và trên thế giới, trong đó có vấn đề biển đông.
Việt Nam và Indonesia đã chia sẻ quan điểm chung là giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình dựa trên tiến trình pháp lý và tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có luật biển năm 1982. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể cùng hợp tác với Indonesia trên các diễn đàn đa phương khác mà chúng ta tham gia. Hai nước cũng có thể phối hợp với nhau trong một số tiến trình đang thương lượng để thúc đẩy tự do hóa thương mại. Ví dụ như Việt Nam đã là thành viên của CPTPP, Indonesia cũng đang trao đổi để sớm tham gia vào CPTPP hay việc Indonesia đang thảo luận với EU vấn đề dầu cọ, trong khi Việt Nam với EU cũng đang thảo luận một số vấn đề và dự kiến trong năm nay sẽ ký kết các thỏa thuận dự do hóa thương mại giữa Việt Nam với EU…và đó là các lĩnh vực hai bên có thể phối hợp với nhau để thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Tuy nhiên hai bên còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết như vấn đề ngư dân. Hai bên đã xác định không có khác biệt hay mâu thuẫn lớn trong vấn đề này. Việt Nam và Indonesia đã đạt được bước tiến với việc năm 2003, Việt Nam và Indonesia đã ký kết phân định thềm lục địa. Đây là bước tiến quan trọng và hiện nay hai nước đang tiếp tục đàm phán đề phân định Vùng đặc quyền kinh tế để đảm bảo hai bên đều có thể khai thác tốt nhất nguồn thủy, hải sản. Về vấn đề ngư dân, Indoensia và Việt Nam đã thống nhất trên cơ sở hợp tác đoàn kết, đối xử nhân đạo theo tinh thần chung của mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!