Thi công bóc đất cát mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Hà Thái/TTXVN |
Trong khi đó, Bộ Công Thương lại cho rằng không nên dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, về phía tỉnh Hà Tĩnh mong muốn Chính phủ chưa triển khai khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều hệ lụy có thể xảy ra.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, mỏ sắt Thạch Khê là dự án trọng điểm của quốc gia và có quy mô lớn.
Dự án này đem đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh đó cùng là nguyện vọng của cán bộ, nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển vào năm ngoái, UBND tỉnh cùng các cấp chính quyền, đoàn thể nỗ lực khắc phục và giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống thì việc tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê cần xem xét.
Ông Dương Tất Thắng cho biết, vừa qua, UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của các nhà khoa học, các tổ chức, các ngành, đoàn thể đề nghị với Chính phủ xem xét chưa tái khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê, trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan đến đánh giá tác động môi trường, công nghệ khai thác, các yếu tố về địa chất, xâm lấn của nước biển...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai dự án còn nhiều bất cập, bởi dự án nằm ở địa bàn xã Thạch Khê sát biển, thời gian triển khai dự án rất dài nhưng báo cáo, trình tự đầu tư chưa đáp ứng được thực tiễn như đảm bảo về môi trường, huy động nguồn vốn.
Ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh, hiện tại cơ sở hạ tầng để khai thác vận chuyển nguyên liệu khi thực hiện dự án chưa đảm bảo; đặc biệt đời sống dân sinh khu vực các xã vùng ảnh hưởng bởi dự án lớn, nhưng chưa có giải pháp ổn định lâu dài.
Hệ thống nước ngầm bị cạn kiệt và biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhiều trận lũ lụt gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân xã Thạch Khê, Thạch Bàn, Thạch Hải và các vùng phụ cận.
Trong năm qua, sau sự cố môi trường biển, tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực ổn định cuộc sống. Bởi vậy ngay lúc này, tái vận hành lại dự án mỏ sắt Thạch Khê sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra những bất cập khi tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê đó là phương án vận tải, tiêu thụ quặng sắt, năng lực tài chính của nhà đầu tư. Riêng về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê xây dựng từ lâu, trong lúc đó nhiều văn bản pháp luật làm căn cứ để phê duyệt hiện nay đã hết hiệu lực.
Sau sự cố môi trường biển xảy ra vào năm 2016, thì nhiều yếu tố môi trường cần được cập nhật và xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với tình hình thực tại.
Nhà đầu tư cần xây dựng phương án lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động giám sát các thông số như: lưu lượng, pH, COD, SS; các kim loại nặng như: Fe, Pb, Cr, Mn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ các điểm xả thải ra sông Thạch Đồng, ra biển Thạch Hải.
Đây là vấn đề hệ trọng, đặc biệt sau bài học về sự cố môi trường biển vừa qua. Vì vậy, nhà đầu tư cần xem xét bổ sung các vị trí quan trắc ở bên phải và bên trái điểm xả thải để quan trắc tổng thể.
Trước đó, thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã có công văn gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và cũng nhiều lần đề xuất với các đoàn làm việc với Hà Tĩnh, đồng thời mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, đánh giá toàn bộ quy trình, thủ tục nội dung của dự án.
Từ đó làm rõ năng lực, nguồn vốn nhà đầu tư và đặc biệt là hiệu quả kinh tế về lâu dài, công nghệ, kỹ thuật khai thác, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn phải có phương án tuyển dụng, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động tại địa phương cùng với các giải pháp bảo vệ môi trường.
Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) đã đầu tư khoảng 1.589 tỷ đồng chủ yếu vận hành bóc đất tầng phủ ở Thạch Khê và sau đó tạm dừng để điều chỉnh dự án. Cũng trong thời gian hơn 10 năm, người dân vùng dự án, kể cả các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết đều bị ảnh hưởng đến đời sống kinh tế.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê có số hộ bị ảnh hưởng gần 3.000 hộ, không được cấp đất mới, không được tách hộ, 3 đến 4 thế hệ cùng ở trong một nhà. Những hệ lụy trước mắt vẫn chưa được giải quyết và người dân trong vùng dự án đang hàng ngày mưu sinh trên mảnh đất bạc màu, hoang hóa do dự án trước đó đã triển khai bốc đất tầng phủ.