Đã có rất nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên quan đến đường ngang dân sinh, để lại nhiều hệ lụy cho các gia đình nạn nhân và xã hội. Chính phủ đã ban hành 1 đề án đưa ra nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Tuy vậy, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Theo thống kê của ngành đường sắt, tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt thời gian qua đã giảm dần cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, các vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 70 - 80%. Vì vậy, việc xóa các đường ngang dân sinh trái phép sẽ góp phần giảm rất sâu số vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt.
Tại Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được ban hành theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 358) đã đưa ra nhiều giải pháp, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia thực hiện đề án từ các bộ, ngành, địa phương... trong triển khai và bố trí nguồn vốn, đồng thời xác định rõ lộ trình thực hiện. Đặc biệt, Đề án 385 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt, xử lý triệt để vi phạm; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5 - 10% hàng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, qua hơn 2 năm triển khai Đề án 358, với sự phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải, ngành đường sắt và các địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến 30/9/2022, đã xóa bỏ được 418 lối đi tự mở, còn lại 3.606 lối đi.
Cùng với đó, xây dựng đường gom, hàng rào được 7,737km, đạt 1,19% kế hoạch tại Đề án 385; xây dựng 4 đường ngang, đạt 1,35%; xây dựng hầm chui được 1 hầm, đạt 0,67% kế hoạch.
Tuy nhiên, lãnh đạo VNR thừa nhận, tiến độ thực hiện Đề án 385 còn chậm, trong khi còn tồn tại số lối đi tự mở lớn, đồng nghĩa nguy cơ cao xảy ra mất an toàn giao thông vì đa số các vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi tự mở và dọc 2 bên đường sắt.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, xác định xóa bỏ lối đi tự mở là giải pháp căn cơ để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Khôi thừa nhận việc triển khai Đề án 358 gặp nhiều khó khăn, một số tỉnh còn chậm trễ. Lý do hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc kiểm tra hiện trường để lập kế hoạch, lộ trình thực hiện.
Ông Vũ Quang Khôi băn khoăn với mục tiêu Đề án 358 đặt ra là đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở nhưng giờ đã sang quý IV/2022 vẫn còn tồn tại hơn 3.600 vị trí. Cục đã có nhiều văn bản đôn đốc, tuy nhiên, việc tổ chức lập kế hoạch, lộ trình tổng thể để xóa bỏ lối đi tự mở của một số địa phương còn chậm. Từ đầu năm đến nay, Cục đã có nhiều đoàn công tác làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ.
Đại diện lãnh đạo VNR cho hay, nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này là do các địa phương chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí thực hiện xóa đường ngang trái phép qua đường sắt.
“Vướng mắc lớn nhất của các địa phương là nguồn kinh phí. Trong Đề án 358/QĐ-TTg cũng quy định nguồn ngân sách địa phương và Trung ương. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch, nếu vướng kinh phí cũng phải đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải hoặc các bộ, ngành để bố trí thực hiện, không thì sẽ rất chậm”, đại diện VNR chia sẻ.
Là một trong số ít địa phương đã bố trí được nguồn kinh phí để xóa bỏ đường ngang dân sinh trái phép, tỉnh Hải Dương đã bố trí một phần từ ngân sách của tỉnh, một phần từ kinh phí mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải bố trí cho tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương, do việc xóa đường ngang dân sinh trái phép được coi là nhiệm vụ cấp bách nhằm giảm tai nạn giao thông, nên được địa phương ưu tiên vốn để thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn cho vấn đề trên.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, khó khăn về nguồn vốn được coi là một trong những lý do chính khiến việc thực hiện Đề án 358 về xóa đường ngang trái phép qua đường sắt triển khai chậm trễ. Tuy nhiên, việc thiếu sự quyết tâm của chính quyền địa phương cũng là yếu tố không nhỏ trong nỗ lực xóa bỏ đường ngang trái phép qua đường sắt.
Mặt khác, trong trường hợp ngân sách Nhà nước có thể bố trí đủ để giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, xây dựng đường ngang, xóa bỏ lối đi tự mở mà chính quyền địa phương không quyết liệt vào cuộc, không có gì đảm bảo kết quả được lâu bền.
Vì thế, các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang an toàn giao thông đường sắt và phải thực thi nghiêm với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.
Với mạng lưới đường sắt quốc gia hiện còn tồn tại hơn 3.600 lối đi tự mở thì đây là hiểm họa tiềm tàng đối với hành khách và những đoàn tàu đang ngày đêm đi qua các tuyến đường, bởi sự an toàn giờ vẫn chỉ trông chờ vào ý thức của người dân và cả sự may mắn.
Nhằm thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đưa ra tại Đề án 385, mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề nghị các địa phương chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chức năng địa phương khẩn trương lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách dọc theo đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt. Đặc biệt, ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị một số địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Lạng Sơn chưa phê duyệt kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có trên địa bàn, khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch và gửi về Bộ Giao thông Vận tải để cùng phối hợp thực hiện.