Xây dựng phương án huy động vốn đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng các phương án huy động vốn để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó: Ưu tiên phương án huy động vốn nguồn vốn xã hội cho đầu tư và làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng phương án; đề xuất lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để có thể đưa các hạng mục đường Cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và Nhà ga hành khách T3 vào khai thác vào năm 2020.
UBND Bình Phước làm chủ đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 13
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc việc UBND tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh Bình Phước.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình đầu tư và quản lý khai thác dự án nêu trên, bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng 46,09 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý UBND tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 50 ha rừng trồng và đất rừng trồng phòng hộ sang đất phi nông nghiệp.
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải phát triển rừng phòng hộ, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ, giữ đất.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của điều chỉnh Quy hoạch nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển kinh tế biển, du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, có tính liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quá trình phát triển.
Tỉnh Trà Vinh phấn đấu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân 11 - 12%/năm; thu ngân sách địa phương tăng bình quân 17%/năm; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 69,76 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 180 đến 200 ngàn tỷ đồng (bình quân hàng năm đầu tư khoảng 36 đến 40 ngàn tỷ đồng). Đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 190 - 200 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa phương tăng bình quân khoảng 10 - 12%/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,5 - 90%. Đến năm 2030 có 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...