Theo báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu dịch COVID-19 trong tháng 4/2020 có thể cầm cự, chấm dứt được, số doanh nghiệp phá sản sẽ vào khoảng 6% và số doanh nghiệp dừng sản xuất là 32%. Điều này kéo theo hệ lụy sẽ có rất nhiều lao động mất việc, thiếu việc, giảm việc làm. Bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện cách ly xã hội nhưng vẫn phải tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đây là những vấn đề đang đặt ra với Chính phủ.
Trao đổi về điều này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng luôn nhắc chủ trương “chống dịch như chống giặc”, vừa chống dịch nhưng phải chống sự trì trệ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, khi giải quyết các công việc phải làm nghiêm, linh hoạt, không để nhiệm vụ nợ đọng, đặc biệt là trong xử lý các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân.
Thời gian qua, dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động, nhiều người không có việc làm, không đủ mức sống tối thiểu. Chính phủ đã trình gói an sinh lớn chưa từng có lên tới hơn 61.000 tỷ đồng, dự kiến bao giờ gói này được triển khai, thưa Bộ trưởng?
Song song với đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kiên trì để thành công trong mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng vẫn khẳng định, chúng ta chấp nhận thiệt hại kinh tế trong một giai đoạn ngắn để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho người dân. Lúc này, vấn đề đặt ra là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và an sinh xã hội. Có nhiều vấn đề được đặt lên vai của người đứng đầu Chính phủ.
Chính phủ đã bàn, thống nhất cao báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị và dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cấp có thẩm quyền để đưa ra các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn, trị giá hơn 61.500 tỷ đồng. Những đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, ngay cả người mất việc, thiếu việc làm cũng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ đối với người có công là 500.000 đồng/người/tháng, hộ nghèo, cận nghèo là 1 triệu đồng/hộ/tháng, trong ba tháng (từ tháng 4 - 6/2020)...
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ công bố ngay. Gói an sinh xã hội này giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sử dụng lao động như vay với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động. Trong khi Chính phủ đang xem xét tháo gỡ khó khăn về giãn, hoãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ… thì gói an sinh này rất quan trọng.
Gói hỗ trợ này sẽ được cân đối phân bổ từ ngân sách Trung ương và địa phương. Nhiều địa phương tự cân đối được và đã đóng góp cho Trung ương. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là phải nhanh chóng hỗ trợ người dân, tiền hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai, tiền đến tận tay dân, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Việc phân bổ gói hỗ trợ sẽ có sự giám sát của chính quyền địa phương, có sự đóng góp của ngân sách Trung ương và địa phương. Khi Thường vụ Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thực hiện ngay. Chính phủ không đặt vấn đề huy động từ bên ngoài ngân sách. Tấm lòng hảo tâm đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước qua đầu mối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ dành để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch, không dùng cho hỗ trợ người dân.
Thủ tướng vừa đưa ra 2 thông điệp: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch và sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, qua 1 tuần thực hiện cách ly xã hội cho thấy bên cạnh những người chấp hành tốt, không ít người vẫn chủ quan, lơ là, không tuân thủ giãn cách xã hội, vẫn tụ tập nhậu nhẹt, mật độ giao thông vẫn đông. Ông có ý kiến gì?
Ngày 27/3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg, sau đó 4 ngày, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh cách ly toàn xã hội. Cấp độ của Chỉ thị 16 so với Chỉ thị 15 là cao hơn một bước. Tại sao như thế?
Lúc đó nhận định tình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, có những nước số ca tử vong lớn. Toàn cầu đã có khoảng 1,3 triệu người nhiễm. Khi đó, Thủ tướng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ trong Chỉ thị 16. Trước hết là vấn đề về cách ly xã hội, đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng, làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.
Đặc biệt, yêu cầu người dân chứ không phải khuyến cáo là phải ở nhà; đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 mét. Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ.
Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa. Làm tốt cách ly xã hội sẽ ngăn được COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Khi đó, ta có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý, khoanh vùng luôn.
Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ, thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Y tế, Công an và các bộ khác. Nhiều địa phương vào cuộc quyết liệt, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, căn cơ, thiết lập cả chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào chưa khai báo. Thậm chí, có địa phương quy định mạnh mẽ hơn, người Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến phải cách ly tập trung và tự trả phí cách ly.
Song, cũng còn một số nơi trong thời điểm nào đó còn chủ quan, người dân còn lơ là, coi thường việc giãn cách xã hội, ví dụ như tổ chức hành lễ đông người tại một số giáo xứ ở Hà Tĩnh… Hay việc đền, phủ đông người chen nhau, điều này rất nguy hiểm, giống bài học từ các nước, khi dịch xảy ra, không thể bảo toàn tính mạng cho người dân. Vi phạm kỷ cương, phép nước cần lên án. Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm. Nếu làm tốt, giữ mức không cần thiết công bố tình trạng khẩn cấp về y tế thì ta rất thành công. Như vậy, vừa phòng, chống dịch tốt, vừa bảo đảm phát triển kinh tế và hoạt động xã hội của người dân.
Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để kiểm soát chặt, yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người, giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính.
Sau khi có Chỉ thị 16, một số địa phương có văn bản cách ly người đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, có nơi cấm người dân từ hai địa phương này đến. Thậm chí, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) còn chỉ đạo nêu tên người đi chợ quá 2 lần/ngày. Bộ trưởng nhận xét gì về cách ứng xử này?
Chúng ta phải nhìn dưới 2 góc độ. Chỉ thị 16 của Thủ tướng có những việc ta chưa có tiền lệ. Có địa phương đau đáu quyết tâm ngăn ngừa dịch, hiểu khái niệm thôn cách ly thôn, xã cách ly xã… nên cho rằng quản lý chia nhỏ theo địa phận, cát cứ ở địa phương. Điểm tích cực của họ là đưa ra nhiều giải pháp mạnh, sáng tạo, như Hà Nội thành lập các trạm kiểm soát đo thân nhiệt, test nhanh, phân vùng tìm người liên quan đến ổ dịch Bạch Mai.
Nhưng cũng có địa phương nóng lòng, khi Thủ tướng công bố dịch và ra Chỉ thị 16 về cách ly xã hội thì cho rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có số ca nhiễm lớn nên đó là vùng dịch, về địa phương yêu cầu cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly. Có địa phương không cho xe biển số Hà Nội vào địa bàn… Sau khi có những chuyện đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16.
Riêng đêm 1/4 và 2/4, điện thoại tôi liên tục nóng, các cơ quan rất báo chí quan tâm. Tôi cho rằng đó là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau, nhưng sau khi có văn bản hướng dẫn và báo chí thông tin, đến nay cơ bản địa phương đều đồng tình. Tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, vấn đề thu hay không thu phí cách ly phải có căn cứ, tạo thuận lợi cho dân.
Nguyên tắc và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hạn chế người dân ra ngoài, các địa phương như Hà Nội nếu ra ngoài không có lý do sẽ phạt. Cách quản lý đó cũng rất hay, nếu ra khỏi nhà không cần thiết như mua thuốc men, nhu yếu phẩm mà ra ngoài tụ tập là phải xử lý.
Các xe vận tải hàng hóa không cho vào thì không có nguyên liệu sản xuất. Không được "ngăn sông cấm chợ", không được làm các rào cản giao thông trên đường, như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ dừng vận tải công cộng, còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân.
Trong công bố dịch của Thủ tướng, chỉ có 24/63 tỉnh, nhưng công bố sớm cho người dân chủ động phòng tránh. Còn đúng là khái niệm vùng dịch thì mỗi nơi hiểu khác nhau. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số ca nhiễm lớn, có 2 ổ dịch lớn là Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha. Như Bạch Mai, số người liên quan vô cùng nhiều, nếu không làm tốt thì không thể lường được hậu quả. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng một điều, dù số ca nhiễm có tăng lên nhưng vẫn khoanh, quản lý được, vì hầu hết các ca mắc dịch đều ở khu cách ly tập trung, quản lý ngay, không để lây trong cộng đồng. Các ca nhiễm ngoài đã truy vết được nguồn gốc F1, F2.
Liệu có kéo dài việc cách ly xã hội sau thời điểm 15/4, thưa Bộ trưởng?
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/4, Thủ tướng kết luận phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1/4 đến 15/4 để đánh giá, coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng nhất, vì chúng ta đã ngăn ngừa khả năng lây nhiễm từ bên ngoài. Nếu làm nghiêm quy định trong Chỉ thị 16, sẽ ngăn ngừa lây cộng đồng và lây chéo. Đến ngày 15/4, nếu không có trường hợp ngoài mong muốn thì dừng thực hiện theo Chỉ thị, còn nếu phát sinh ổ dịch nào đó, phải tùy tình hình, đưa ra phương án ứng phó kịp thời.
Ta chưa dám nói trước gì cả. Nhiều phản ánh cho thấy dân bắt đầu chủ quan khi thấy không có ca nhiễm mới, ra đường nhiều hơn. Thủ tướng nói không được chủ quan, nếu chủ quan thì công sức chống dịch sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!