Bộ trưởng có thể chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc "gỡ rối" những vướng mắc, khó khăn của ngành, đặc biệt tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế?
Từ năm 2022, tại các bệnh viện cũng như trên thị trường đã xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh cho người dân. Ngay sau đó, Quốc hội, Chính phủ cùng Bộ Y tế và các bộ, ngành đã có rất nỗ lực, cố gắng để giải quyết vấn đề này.
Tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, bối cảnh quốc tế, khu vực nhiều biến động khó lường, tình hình trong nước thuận lợi xen lẫn khó khăn, đặc biệt sau 3 năm phòng, chống dịch COVID-19, đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung về thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên thị trường thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, sau dịch COVID-19, số lượng người đi khám, chữa bệnh tăng lên đột biến. Chính vì vậy, công tác dự trù, đấu thầu của các cơ sở y tế cũng có lúc chưa đáp ứng được nhu cầu này.
Về nguyên nhân chủ quan, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều quy định, văn bản pháp luật chi phối như: Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược, các nghị định hướng dẫn. Có những vướng mắc liên quan đến thể chế, có thể sửa đổi, điều chỉnh được ngay nhưng có những vấn đề nằm trong quy trình sửa đổi luật và nghị định với thời gian kéo dài.
Trong thời gian qua, có nhiều sai phạm liên quan tới lĩnh vực mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế. Chính vì vậy, việc rà soát, đánh giá lại để triển khai là một trong những việc phải làm để có thể mua được vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, một số trường hợp đã gây tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, đặc biệt, các y bác sĩ không có chuyên môn về tài chính khi phải thực hiện nhiệm vụ này. Do vậy, trong quá trình thực hiện cũng còn ách tắc chậm trễ.
Hiện, một số vấn đề đã được giải quyết. Điển hình, trong thời gian qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, cho phép Bộ Y tế kéo dài thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đáp ứng số lượng thuốc cung ứng thị trường. Sau khi nghị quyết được ban hành, Bộ Y tế đã ngay lập tức triển khai và kéo dài đăng ký cho gần 9.000 mặt hàng thuốc.
Song song đó, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành tiếp tục tập trung tham mưu, sửa đổi hàng loạt các nghị định, thông tư và văn bản liên quan. Ví dụ, Bộ Y tế tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa nội dung liên quan tới các quy định đặc thù ngành Y tế trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu. Nội dung này sẽ được trình Quốc hội trong thời gian tới, do đó, chưa giải quyết được ngay một số tình huống vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành thảo luận, tích cực, sửa đổi nghị định về quản lý trang thiết bị y tế; nghị định liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế; các quy định, văn bản khác để có thể giải quyết ngay những tình huống trước mắt.
Từ tháng 11/2022, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Nghị quyết 144); là văn bản "cứu cánh" ngành giải quyết vướng mắc, đặc biệt liên quan tới việc huy động nguồn lực xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu máy móc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Sau 3 tháng thực hiện, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế địa phương đánh giá lại việc triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng để rà soát, đánh giá, phân tích các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn, từ đó có những chỉ đạo tiếp theo.
Trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ngành Y tế ưu tiên giải quyết ngay vướng mắc về vấn đề máy móc, để đảm bảo đáp ứng cho người dân trong quá trình xét nghiệm, điều trị. Nội dung này đã được quy định rõ trong Nghị quyết 144. Tuy nhiên, đối với những máy đặt trước thời điểm nghị quyết được ban hành (ngày 5/11/2022), Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ để những máy móc được ký hợp đồng trước đó, được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Dự kiến, nội dung này sẽ được đưa vào nghị quyết sửa đổi.
Dự kiến, Bộ Y tế cũng sẽ chuẩn bị nội dung, thống nhất với các bộ, ngành trình Chính phủ giải quyết vướng mắc liên quan tới quá trình thực hiện các gói thầu, quy định 3 báo giá; việc triển khai thực hiện quy định Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Thông tư số 68/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp…
Bộ Y tế cũng đã chủ động sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế; trình Chính phủ xin sửa đổi nghị định vào cuối năm 2021 nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; sửa đổi theo hình thức rút gọn, có hiệu lực ngay trong thực tiễn. Đến thời điểm này, nghị định đã được xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hai lần; cơ bản đáp ứng được những vấn đề cần giải quyết; có thể ban hành ngay trong tháng 2/2023.
Với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ cùng các bộ ngành thực hiện sớm nhất các nội dung này để các vấn đề nóng, bức xúc của nhân dân dần dần được giải quyết.
Thưa Bộ trưởng, như vậy, trong cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2023, những vướng mắc, đặc biệt liên quan đến thiếu thuốc và vật tư y tế sẽ được giải quyết?
Ngay thời điểm này, các bộ, ngành đang làm tiếp tục làm việc để trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết 144 (sửa đổi) trong ngày mai (26/2/2023), xin ý kiến thành viên Chính phủ ban hành trong thời điểm sớm nhất.
Tôi hy vọng các thành viên Chính phủ, bộ, ngành sẽ ủng hộ ngành Y tế - một ngành hết sức đặc thù. Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 144 (sửa đổi) vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3/2023 sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành y tế, để chúng tôi làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan!.