Và bây giờ, người Pháp càng tin tưởng hơn vào “Les Bleus”

Một phóng sự ngắn của kênh tin tức BFM.TV phát sáng 4-7 cho thấy nước Pháp đang ngày càng lên cơn sốt vì đội tuyển của mình. Dòng tít “Les Bleus thắp lửa nước Pháp” chạy dưới màn hình. Paris dưới mưa và Marseille ồn ã trong niềm vui say chiến thắng.

Tổng thống Pháp từng nói mọi chuyện sẽ ổn thôi, và quả nhiên mọi chuyện đang là như thế.

 Những thành phố nhỏ khác của nước Pháp cũng thế. Các cổ động viên ùa ra đường, những con phố đầy xe bóp còi, các “banlieu” (khu nhập cư ngoại ô) chìm trong tiếng quốc ca La Marseillaise.

Pháp chưa vô địch EURO. Họ mới chỉ thắng mỗi Iceland, đội bóng nhỏ lần đầu tham dự một giải đấu lớn như thế và từ đầu giải được coi là một điều ngạc nhiên lớn nhất. Hành trình từ đầu EURO của Pháp cũng không quá khó khăn như con đường khấp khểnh và đầy chông gai mà hàng xóm của họ là Italy đã đi, nhưng niềm vui sướng của các cổ động viên Pháp là dễ hiểu, khi niềm tin của họ lớn lên từng ngày, dù họ vẫn biết rằng, đội bóng của Deschamps còn rất nhiều hạn chế, chẳng hạn đã để lọt lưới hai bàn thua lãng xẹt trước những chàng trai Iceland chỉ gần đây mới biết đá bóng chuyên nghiệp. 

“Mọi chuyện rồi sẽ tốt lên thôi”, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nói thế từ vài tuần trước, khi uy tín của ông đã ở mức vô cùng thấp, một năm trước khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra. Và bây giờ, Pháp đã vào đến bán kết, nơi họ sẽ gặp đội Đức ở Marseille, thành phố với 1/3 dân số là người nhập cư và là nơi điên cuồng vì bóng đá nhất nước Pháp, người ta tin rằng, sự ủng hộ sẽ vô cùng lớn và là một lực đẩy mạnh mẽ cho đội "Áo Lam" ở trận đấu với đối thủ chắc chắn được đánh giá cao hơn về kĩ và chiến thuật này.

Thua Iceland chắc chắn sẽ là một thảm họa lớn lao cho một quốc gia đầy rẫy vấn đề (nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất hóa ra lại là ở chính họ, khi họ nghi ngờ chính bản thân mình). Nhưng rốt cuộc, những bóng ma ám ảnh cũng qua đi. Ông Hollande trên khán đài của sân Stade de France và hàng triệu đồng bào ông có thể ăn mừng khi Pháp đè bẹp Iceland ngay từ hiệp 1. 

Bóng đá cũng là chính trị. Nước Pháp và những người đứng đầu nước Pháp hiểu rõ điều đó. Chiến thắng của đội Pháp ở World Cup 1998 đã xây lên một hình ảnh đầy tích cực về một nước Pháp có sự đóng góp của những người nhập cư gốc Bắc Phi như Zidane hay những người Châu Phi như Thuram. 

Hai năm sau, công thức trên tiếp tục phát huy hiệu quả khi Les Bleus đánh bại Italy trong trận chung kết EURO 2000. Nhưng những thắng lợi không còn đến nữa sau đó và nước Pháp chìm trong hàng loạt vấn đề liên quan đến người nhập cư. Cái chết của hai thanh niên Zyed và Bouna vào năm 2005 đã làm bùng phát một cuộc nổi loạn của các "banlieue Paris". Cái hố ngăn cách giữa các nước Pháp của các thế hệ, các màu da ngày càng lớn thêm ra.

Đội tuyển Pháp trở thành tấm gương của một đất nước chìm trong khủng hoảng bản sắc. Thái độ của một vài cầu thủ Pháp, những người bị nghi ngờ là không phải “Pháp xịn”, đã khiến nước Pháp chia rẽ thêm nữa. Người ta đặt ra câu hỏi, liệu họ có thực sự muốn hát bản La Marseillaise trước các trận đấu, liệu họ có thực sự yêu đất nước này? 

Khi những vấn đề của quốc gia thẩm thấu vào đội tuyển, Les Bleus thất bại từ trước khi ra sân. Cuộc “bãi công” của các cầu thủ và những lời sỉ nhục mà Anelka nhắm vào HLV Domenech đã tàn phá đội tuyển Pháp ở World Cup 2010. Họ đã xây dựng lại tất cả từ con số 0, sau thảm bại ngày đó, và thành tích đang tốt dần của đội ở EURO 2016 này không chỉ tăng thêm niềm tin cho các cổ động viên vào thắng lợi của đội ở giải này, mà còn đoàn kết quốc gia. 

Đơn giản bởi những chiến thắng này đã đến vào thời điểm mà một bầu không khí kinh khủng bao trùm lên đất nước: những cuộc đình công của các nhân viên ngành đường sắt, hàng không, metro, vệ sinh đô thị... đã làm tê liệt nước Pháp, các cuộc biểu tình chống luật lao động mới diễn ra khắp nơi, bạo lực của các hooligan Anh và Pháp từ đầu EURO và rồi cái chết của hai vợ chồng cảnh sát ở ngoại ô Paris dưới tay của một kẻ cuồng tín Hồi giáo đã khiến người ta lo lắng. 

Bây giờ thì mọi việc đúng là đang tốt hơn lên như ông Hollande đã nói. Nước Pháp có thể hy vọng vào một điều gì tốt đẹp, khi đội tuyển trở thành lá cờ mà tất cả hướng về và khu fanzone dành cho các cổ động viên ở chân tháp Eiffel trở thành biểu tượng của một nước Pháp đương đầu với những đe dọa. 

Hôm Pháp đá với Iceland, gần 100 nghìn người đã tập trung ở đó, dưới cơn mưa, để ủng hộ đội Pháp. Trước giải, người ta đã nói rất nhiều đến các nguy cơ khủng bố. Nhưng fanzone vẫn đứng vững, và trở thành một hình ảnh tiêu biểu của tình yêu đang lớn lên mà người Pháp dành cho đội bóng của mình. 

Và giờ, họ sẽ đương đầu với Đức, mối đe dọa lớn cho đội tuyển của họ. Các báo ở Paris viết rằng, sau khi đã dập tắt những ngọn núi lửa (Iceland), Pháp sẽ phải leo lên một đỉnh Everest (ám chỉ trận đấu với Đức). Đấy sẽ là trận đấu lớn nhất và chắc chắn khó khăn nhất của Pháp kể từ đầu giải, mở cánh cửa vào chung kết. 

Chưa bao giờ là dễ dàng khi đối đầu với Đức, và trận đấu ấy cũng gợi lại một kỉ niệm buồn, khi trận giao hữu giữa họ tháng 11 năm ngoái ở Stade de France đã bị gián đoạn bởi một sự cố khủng khiếp: vụ tấn công khủng bố của IS vào chính sân đó, vào nhà hát Bataclan và vài điểm khác ở Paris.

Không, bây giờ sẽ không là một kỉ niệm buồn nữa. Người Pháp tin như thế....

Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Pháp lập kỷ lục, Griezmann ghi bàn thứ 100
Pháp lập kỷ lục, Griezmann ghi bàn thứ 100

45 phút đầu tiên đã có tới 4 bàn thắng được ghi là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của giải đấu EURO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN