Cũng như Brazil với Giải vô địch bóng đá thế giới 2014, kinh tế Pháp sau giai đoạn khó khăn vừa qua giờ đây đang “đặt cược” vào EURO 2016 với niềm hy vọng lớn.
Thực trạng khó khăn
Ngay trước khi EURO 2016 khởi tranh, các cuộc biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách lao động tại Pháp đã diễn ra khoảng ba tháng, làm tê liệt hoạt động vận tải và kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế. Nền kinh tế Pháp đang khó khăn lại càng thêm ảm đạm khi nguy cơ khủng bố vẫn chưa hết. Những cuộc biểu tình bạo động đem đến một hình ảnh không đẹp về nước Pháp khiến các nhà đầu tư nước ngoài càng ngày càng dè dặt hơn. Các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Paris cũng đã bày tỏ quan ngại tình hình đó sẽ cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này.
Một người lao động đối mặt với cảnh sát chống bạo động trong cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 5 ở Lyons. |
Trong khi đó, hồi đầu tháng Sáu, thủ đô Paris và vùng phụ cận của Pháp lại phải trải qua trận lũ lụt kỷ lục với ước tính thiệt hại có thể vượt 1 tỷ euro (nếu tính trên toàn nước Pháp thì mức thiệt hại thậm chí có thể lên tới 2 tỷ euro). Ngoài ra, ngành du lịch tại Paris cũng bị “vạ lây” do các bảo tàng, trong đó có bảo tàng nổi tiếng Louvre, phải đóng cửa và giao thông ách tắc.
Số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Pháp mới công bố cho hay tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 dự kiến đạt 1,6% sau khi đã tăng 1,2% năm 2015. Con số này cao hơn chút ít mục tiêu (tăng 1,5%) do Chính phủ Pháp đặt ra. Từ đầu năm đến nay, kinh tế Pháp đã tạo ra 210.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp dự kiến sẽ ở mức 9,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007. Dịch vụ là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất (158.000 việc làm). Ngoài ra, việc Pháp đăng cai EURO 2016 cũng tạo ra thêm 18.000 việc làm thời vụ trong quý II.
Nhen nhóm hy vọng
Theo nhà kinh tế Diego Iscaro của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Global Insight, giải EURO 2016 thành công sẽ giúp Pháp lấy lại hình ảnh của một điểm đến du lịch an toàn sau những vụ tấn công khủng bố đáng lo ngại hồi năm 2015. Với sự hiện diện của hàng loạt danh thủ bóng đá hàng đầu, cả thế giới đang bị cuốn theo vòng lăn của trái bóng tròn trên đất Pháp với một kỳ EURO bước đầu được ghi nhận về nhiều kỷ lục liên quan tới doanh thu bán vé các trận đấu, quảng cáo, cá độ hợp pháp và vô số các dịch vụ “ăn theo” khác.
Trước mắt, ngay sau khi EURO 2016 chính thức khởi tranh, Pháp đón một tin vui về kinh tế khi EURO 2016 sắp vượt mọi kỷ lục về tài chính. Đầu tiên, phải kể đến khoản tiền "khủng" lên tới gần 3 tỷ euro từ tiền bản quyền truyền hình, vé và quảng cáo trong sân. Trong khi đó, các nhà tài trợ cũng đem đến một khoản ngân sách khổng lồ lên tới 1 tỷ euro. Mười nhà tài trợ lớn nhất của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) như Adidas, Carlsberg, Coca-Cola, Hyundai-Kia, McDonald..., đã chi ra trung bình 50 triệu euro (mỗi doanh nghiệp).
Còn xa hơn, Chính phủ Pháp hy vọng EURO 2016 sẽ tạo bước đà hồi phục nền kinh tế trì trệ của nước này, với khoản lợi nhuận lên đến khoảng 1,3 tỷ euro. Bên cạnh đó, EURO 2016 ước tính sẽ thu hút khoảng 2,5 - 3 triệu du khách, trong đó khoảng một triệu là các du khách nước ngoài, đến các thành phố của Pháp để xem các trận đấu. Dự đoán, các du khách sẽ chi tiêu trung bình khoảng 500 euro cho việc thuê nhà nghỉ, đi lại, ăn uống và mua đồ lưu niệm.
Như vậy, nền kinh tế Pháp sẽ thu về hàng trăm triệu euro từ các du khách nước ngoài. Nếu tính cả du khách Pháp thì con số doanh thu sẽ còn lớn hơn, với mức chi tiêu trung bình của một du khách là 353 euro/người. Vì vậy, giới phân tích dự đoán rằng doanh thu của EURO 2016 dự kiến lớn hơn con số của EURO 2012 và nếu điều này trở thành hiện thực thì rõ ràng là kinh tế Pháp cũng “được nhờ”.