Ronaldo lại gây thất vọng, Bồ Đào Nha gặp khó

Bồ Đào Nha và Áo đã hòa nhau không bàn thắng ở Parc des Princes trong một trận đấu mà Cristiano Ronaldo đá hỏng phạt đền ở phút 79.

Kết quả này khiến cục diện bảng F hết sức cân bằng và đẩy đội bóng của HLV Fernando Santos, vốn được đánh giá là mạnh nhất bảng, vào thế khó ở trận cuối gặp Hungary.

Cầu thủ Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo bỏ lỡ cơ hội mở tỷ số từ cú sút phạt penalty trong hiệp đấu thứ hai. Ảnh: EPA/ TTXVN

1. Ronaldo lại gây thất vọng

Trận đấu thứ 128 cho Bồ Đào Nha, phá kỷ lục số lần khoác áo đội tuyển quốc gia của đàn anh Luis Figo (127 trận), thật đáng buồn, lại là một trong những trận đáng quên nhất với Ronaldo.

Ngôi sao số 1 của Bồ Đào Nha đã chơi rất đáng thất vọng, bỏ lỡ nhiều cơ hội và không bao giờ thực sự là nguồn cảm hứng hay niềm hy vọng của đội bóng như nhiều người chờ đợi trước giải.

Sau 2 trận, Ronaldo là cầu thủ có số pha dứt điểm nhiều nhất ở Euro 2016, 21 lần, nhưng lại không ghi nổi bàn nào. Anh cũng tranh thực hiện mọi pha đá phạt của Bồ Đào Nha, bao gồm quả phạt đền hỏng tối qua và 35 quả phạt trực tiếp khác ở các giải lớn, nhưng chưa có lấy nổi 1 bàn thắng.

2. Alaba đá tiền vệ công không phải là giải pháp

David Alaba, vốn chỉ là một hậu vệ cánh ở CLB của anh Bayern Munich, khi trở về đội tuyển Áo lại được coi là một cầu thủ vạn năng. Giống như Ronaldo với Santos, anh đơn giản là ngôi sao lớn nhất của HLV Marcelo Koller.

Vì lẽ đó, không hài lòng với việc để Alaba đá tiền vệ trung tâm như ở trận ra quân gặp Hungary, Koller còn đẩy anh lên đá như một số 10 trước Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, mọi sự gượng ép đều không tốt, và phương án này chẳng thể phát huy được tác dụng.

Alaba tỏ ra quá lạ lẫm với vị trí mới, không tạo ra được sự đe dọa đáng kể nào cho khung thành đối phương. Rốt cuộc, Áo đã đổi lấy một hậu vệ trái thượng thặng lấy một tiền vệ trung tâm trung bình, rồi một tiền vệ công còn tệ hơn nữa.

3. Bồ Đào Nha cố gắng chơi gọn gàng hơn

Santos sở hữu trong đội hình khá nhiều cầu thủ đá rườm rà. Ronaldo nổi tiếng vì những pha đi bóng rối rắm không cần thiết. Nani hay có những động tác thừa. Ricardo Quaresma hay Joao Moutinho cũng không phải nổi tiếng bởi lối chơi trực diện.

Tiền đạo Bồ Đào Nha Nani (trái) khống chế bóng trước trung vệ Alessandro Schoepf của Áo trong trận đấu. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhưng trước Áo, HLV Santos có vẻ đã yêu cầu các cầu thủ của ông phải chơi gọn gàng hơn. Những pha đập nhả của Bồ Đào Nha tốc độ hơn, nhất là khi đã đưa được bóng tới 1/3 sân đối phương. Tuy nhiên, họ đã không thể thành công trong những tình huống dứt điểm cuối cùng, trước một hàng thủ Áo cũng đã đá chặt chẽ hơn so với trận thua Hungary.

4. Bồ Đào Nha khát tiền đạo

Santos, không có một chân sút đẳng cấp nào trong đội hình, đã tiếp tục với cặp “tiền đạo dạt cánh” Ronaldo và Nani ở trận này, bổ sung thêm Quaresma như một mũi kỳ bình bên cánh phải.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó không thể bù đắp được một thực tế đơn giản là Bồ Đào Nha thiếu một tiền đạo biết làm việc đơn giản, nhưng cũng là khó khăn nhất: đưa bóng vào lưới đối thủ.

Giống như ở trận gặp Iceland, Santos đã tung tất cả những gì ông có trên ghế dự bị vào sân trong hiệp 2: Eder, rồi Joao Mario (trận trước là Renato Sanches), nhưng bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

5. Cục diện bảng F rất gay cấn

Là bảng thi đấu cuối cùng của giải, hiện chưa đội nào ở bảng F bị loại, nhưng cũng chưa đội nào chắc vé đi tiếp. Hungary đang bất ngờ dẫn đầu với 4 điểm và có lợi thế lớn ở lượt cuối: chỉ cần 1 điểm trước Bồ Đào Nha, họ sẽ đi tiếp. Trong khi đó, khả năng người hâm mộ ở Euro phải sớm nói lời chia tay Ronaldo đang ngày càng hiển hiện.

TTXVN/Tin Tức
Bồ Đào Nha đã tìm ra một hệ thống không cần Ronaldo?
Bồ Đào Nha đã tìm ra một hệ thống không cần Ronaldo?

Trước đối thủ Iceland vốn được đánh giá là giàu tiềm năng gây bất ngờ, Bồ Đào Nha đã thể hiện một bộ mặt “đàn anh” và thuyết phục trong hiệp thi đấu thứ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN