Bề dày thành tích tại Asian Cup ngang ngửa như vậy, nhưng ở thời điểm hiện tại, ít người dám đặt niềm tin vào đại diện Tây Á trong trận đấu vào lúc 18h ngày 21/1, vì "Samurai Xanh" mới thực sự là ứng viên nặng ký.
Nhật Bản đã toàn thắng cả ba trận vòng bảng, nhưng đều chỉ với chênh lệch 1 bàn. Phải chăng đội bóng của huấn luyện viên (HLV) Moriyasu vẫn chưa tung hết sức?
Hãy nhìn lại 3 trận đấu vừa qua: Chiến thắng 3-2 trước Turkmenistan không quá căng thẳng bởi Nhật Bản dẫn 3-1 cho đến khi bị quả phạt đền ở phút 79. Họ chỉ hạ Oman 1-0, nhưng đó là trận đấu mà họ áp đảo đến… 8-1 về số cú dứt điểm trúng khung thành. Còn ở lượt cuối, trước đối thủ đáng gờm nhất là Uzbekistan, Nhật Bản cũng áp đảo về số cơ hội với tỷ lệ sút bóng trúng khung thành là 5-2, dù chỉ cầm bóng 42%.
Thành tích tuyệt đối của Nhật Bản tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thật ra chẳng có gì bất ngờ nếu nhìn vào hành trình của họ suốt từ World Cup 2018 đến nay. Đó là giải đấu mà Nhật Bản là đại diện duy nhất của châu Á vượt qua được vòng bảng, trong khi Australia, Iran, Hàn Quốc và Saudi Arabia đều bị loại sớm.
Kể từ sau thất bại 2-3 trước tuyển Bỉ (đội sau đó giành hạng 3) ở vòng 1/8 World Cup 2018, Nhật Bản đã bất bại 8 trận liên tiếp (7 thắng, 1 hòa), đáng chú ý trong số đó là chiến thắng 4-3 trước Uruguay hùng mạnh ở Kirin Cup 2018.
Tại Asian Cup 2019, HLV Moriyasu đã gây bất ngờ khi loại lão tướng Shinji Okazaki, người đã ghi 50 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia, cũng như nhạc trưởng Shinji Kagawa. Nhưng thật ra, Nhật Bản chưa bao giờ thiếu tài năng tấn công.
Sau kỳ World Cup thành công, với bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Colombia để đưa Nhật Bản vào vòng 1/8, Yuya Osako đã sẵn sàng lãnh trách nhiệm gánh vác hàng công đội tuyển Nhật Bản và cú đúp vào lưới Turkmenistan là một minh chứng. Trong khi đó Ritsu Doan, ngôi sao ở giải Hà Lan trong màu áo Groningren, đủ tài năng để kế tục Kagawa.
Trong khi đó, thất bại 0-2 trước Qatar ở lượt trận cuối cùng đủ để nói lên thực lực hiện tại của Saudi Arabia: Họ vẫn là một đội bóng lớn, nhưng không còn đủ độ sắc sảo và tinh quái để giành chiến thắng ở những trận "big bang" của đấu trường châu lục.
Kể từ sau World Cup 2018 đến nay, thành tích của Saudi Arabia không tệ, nhưng cũng chẳng xuất sắc. Họ chỉ thua 1 trong 9 trận gần nhất, mà lại là trước Brazil (0-2), nhưng trong 8 trận còn lại thì có đến 4 trận hòa. Trong quá trình chuẩn bị cho Asian Cup 2019, Saudi Arabia thắng đúng 1 trận, 1-0 trước Yemen, đội bóng vừa thua Việt Nam 0-2.
Lối chơi rất cởi mở của Saudia Arabia có thể khiến họ dễ dàng áp đảo những đối thủ dưới cơ (như Triều Tiên chẳng hạn), nhưng khi gặp những đối thủ mạnh thì lại khác. Trận thua Qatar vừa rồi là một minh chứng. Họ dâng cao tấn công nhưng vấp phải hàng phòng ngự rất có tổ chức của đối phương, để rồi vướng vào bẫy phản công và thua hai bàn (Almoez Ali lập cú đúp).
Nhật Bản, một đội bóng cũng đề cao kỷ luật chiến thuật, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm chẳng dễ chịu gì cho thầy trò Juan Pizzi.
Trong quá khứ, hai đội từng nhiều lần gặp nhau ở Asian Cup với sự áp đảo thuộc về Nhật Bản (5 thắng, 2 thua). Lần này chắc cũng chẳng phải ngoại lệ.
Đội hình dự kiến:
Nhật Bản (4-2-3-1): Gonda - Sakai, Yoshida, Tomiyasu, Nagatomo - Endo, Shibasaki - Ritsu Doan, Minamino, Haraguchi - Osako.
Saudi Arabia (4-2-3-1): Al Owais - Al Burayk, Al Fatil, Albulayhi, Al Shahrani - Al Otayf, Babhir - Al Bishi, Al Mogahwi, Al Dawsari - Al Muwallad.