Bảng A có mức độ cạnh tranh cao hơn hẳn khi U19 Indonesia, U19 Việt Nam và U19 Thái Lan cạnh tranh quyết liệt vé đi tiếp, còn U19 Philippines và U19 Myanmar không quá yếu. Trái lại, bảng B được đánh giá nhẹ hơn rất nhiều khi ngoài U19 Malaysia, không có đội nào từng lọt vào chung kết U19 Đông Nam Á.
Thứ hạng hai đội nhất nhì bảng B chỉ được phân biệt sau loạt trận chiều 11/7, khi U19 Lào chạm trán U19 Malaysia. Xét về mặt phong độ, U19 Lào được đánh giá cao hơn với 3 trận toàn thắng, cùng hiệu số bàn thắng 5-2. Trái lại, U19 Malaysia bị U19 Singapore cầm hòa và chỉ thắng sát nút U19 Timor Leste (4-3), U19 Campuchia (2-1). Nếu duy trì đúng phong độ, U19 Lào nhiều khả năng nhất bảng, còn U19 Malaysia nhì bảng và sẽ đối đầu U19 Việt Nam.
Tuy nhiên, như đã nói, những đối thủ của U19 Lào và U19 Malaysia vừa qua là quá yếu và không thể là thước đo năng lực thực sự của cả hai đội. Vì vậy, yếu tố phong độ cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc đánh giá sức mạnh của họ khi chạm trán những đối thủ mạnh hơn ở bán kết như U19 Việt Nam và U19 Thái Lan. Về mặt này, chất lượng nhân sự, bản lĩnh và kinh nghiệm tại vòng knock-out được đánh giá cao hơn.
Xét về yếu tố này, U19 Malaysia vẫn được đánh giá cao hơn, dù thực tế mỗi giải trẻ sẽ có một lứa khác nhau. Trong 17 giải đấu trước đây, các cầu thủ trẻ Malaysia đã lọt vào bán kết 10 lần, vào chung kết 7 lần và vô địch vào năm 2018. Trái lại, U19 Lào mới 4 lần lọt vào bán kết và thành tích tốt nhất chỉ là về thứ ba vào các năm 2002, 2005, 2015.
Về nhân sự, U19 Malaysia cũng được đánh giá nhỉnh hơn, đáng chú ý trong danh sách dự giải lần này của họ có tiền vệ Omar Raiyan, cầu thủ đang khoác áo U17 Red Star Belgrade của Serbia.
Như vậy, cho dù đang xếp nhì bảng, nhưng U19 Malaysia – đối thủ tiềm tàng của U19 Việt Nam ở bán kết - vẫn được đánh giá nhỉnh hơn U19 Lào và thầy trò Đinh Thế Nam không thể chủ quan.