Cầu thủ Antoine Griezmann của Pháp mừng bàn thắng vào lưới Iceland trong trận đấu ở Saint-Denis, Pháp ngày 3/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Chị gái anh, Maud, thì đang ở Bataclan vào thời điểm vụ thảm sát diễn ra. Anh bồn chồn đứng trong phòng thay quần áo với chiếc điện thoại trên tay, thấp thỏm chờ đợi tin tức từ Maud. Sự căng thẳng và lo âu sau đó đã tan biến, sau khi anh biết Maud vô sự.
Anh viết trên trang Twitter: “Đội ơn Chúa mà chị gái tôi còn sống. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ”. Kể từ thời điểm đó, Griezmann không quên nghĩ đến các nạn nhân của vụ khủng bố đẫm máu đã làm rung chuyển nước Pháp và toàn thế giới lúc ấy.
Sau trận thắng Ireland ở vòng 1/8, anh đã gặp Hugo, con trai của hai người cảnh sát bị một kẻ cuồng tín IS sát hại ngay tại nhà mình ở ngoại ô Paris hôm 15/6, và trao cho Hugo quả bóng. Với trái bóng ấy, anh đã ghi hai bàn vào lưới Ireland để đưa Pháp vào tứ kết.
Có một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của cầu thủ hiện đang là người ghi bàn nhiều nhất giải, với 4 bàn thắng, bằng hành động ấy, cũng như sự tái sinh của cặp tiền đạo Griezmann-Giroud mà bây giờ đội tuyển Áo Lam phải “cậy nhờ”, sau khi đã gạt bỏ Benzema.
Trong trận thắng Iceland, cả Griezmann lẫn Giroud đều ghi bàn thắng, và đó là những tín hiệu vui cho Pháp trước trận đấu với Đức, một cuộc tái đấu gợi lại những kí ức buồn của 8 tháng về trước, với vụ tấn công khủng bố vào Paris. Có quá nhiều điều để nói về trận đấu ấy trên khía cạnh chuyên môn và cả các khía cạnh ngoài trận đấu.
Đội bóng của Deschamps, sau hành trình gần một tháng EURO, đã tạo ra một niềm tin ngày càng chắc chắn hơn trong lòng người hâm mộ, rằng họ có thể đoạt được Cúp vàng, đã gạt sang bên nhiều nỗi hoài nghi về năng lực của các cầu thủ, chẳng hạn vấn đề của hàng tiền đạo khi không còn Benzema.
Nhưng có một điều mà họ muốn nhắn nhủ tới tất cả: người Pháp cần phải tin rằng, trận đấu 8 tháng sau vụ tấn công vào Bataclan và sân Saint-Denis cần phải trở thành một động cơ để làm điều mà bọn khủng bố điên cuồng đã tìm cách ngăn chặn, đấy là ăn mừng chiến thắng, là hưởng niềm vui mà bóng đá và cuộc đời này đem lại.
Sau trận thắng Iceland, những chiếc xe cắm cờ Pháp của cổ động viên đã chạy khắp nơi trên đường phố Paris và nhiều nơi khác của nước Pháp. Các cựu binh đã từng cùng đội Pháp đoạt chức vô địch thế giới ở World Cup 1998 thừa nhận rằng, vào năm 2016, “các cổ động viên đang hít thở bầu không khí giống hệt như năm 1998”.
Deschamps, đội trưởng đội tuyển Pháp vào thời điểm đó, thì cảm thấy rất tự tin và lạc quan, trong khi dư luận Pháp tin rằng, đội tuyển có thể vượt qua các nhà vô địch thế giới bằng một chiến thắng để vào chung kết.
Đấy không phải là điều dễ dàng, báo chí viết, “nhưng chúng ta có thể”. Lần duy nhất Pháp thắng Đức trong một giải đấu lớn là ở World Cup 1958, và thất bại cho đến giờ vẫn còn làm người Pháp cay đắng là ở World Cup Espana 82.
Một pha ăn mừng khác của Antoine Griezmann. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tiền vệ huyền thoại Alain Giresse, người đã có mặt trong trận thua Đức ở bán kết năm đó nói: “Đấy là thất vọng lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Cú đấm của thủ môn Schumacher làm gẫy hàm Battiston thậm chí còn không bị trọng tài trừng phạt. Và trước bàn thắng thứ hai của họ vào lưới chúng tôi, họ đã phạm hai lỗi mà trọng tài làm ngơ. Đấy là phạm lỗi với tôi và với Platini”.
Nhưng đấy đã là quá khứ, kể cả quá khứ rất gần, như khi Pháp bị Đức loại ở World Cup 2014 và từ đó lên đỉnh vinh quang. Hiện tại là điều quan trọng hơn cả, khi Đức có những vấn đề nhân sự cần giải quyết sau khi vượt qua Italy ở vòng tứ kết. Hummels, Khedira, Gomez sẽ không có mặt vì chấn thương. Schweinsteiger cũng có lẽ không ra sân được. Ngược lại, Pháp đầy tự tin do những bàn thắng của Griezmann, Giroud, sự hồi sinh của Pogba.
Đối với Griezmann, đây sẽ là một trận đấu đặc biệt, không chỉ bởi vì nó gợi lại kí ức Bataclan và Saint-Denis một đêm lạnh lẽo tháng 11-2015, mà bởi anh có dòng máu Đức. Griezmann là một cái họ Đức, bởi anh sinh ra ở vùng Alsace, nơi mà lịch sử đã từng xô đẩy về Đức trong vài thập kỉ sau cuộc chiến Pháp-Phổ 1870, trước khi trở lại với Pháp sau Thế chiến thứ nhất.
Griezmann không được đánh giá cao ở lứa cầu thủ trẻ, do quá mảnh khảnh, và vì thế, sau những lần thử việc bất thành ở Lyon và Montpellier, đã di cư sang Tây Ban Nha, quê mẹ anh, để chơi cho Real Sociedad. Và chính ở đó, anh phát triển và trở thành cầu thủ như bây giờ, để nước Pháp có thể đặt niềm tin lớn lao vào một giải đấu mà họ khát khao chiến thắng.
Pogba, người bạn thân của anh ở đội tuyển Pháp và cũng là người gọi Griezmann là El Gringo, thì được Griezmann dạy tiếng Tây Ban Nha. Điều này có thể khiến Juventus lo lắng khá nhiều. Nhưng đấy là tương lai xa. Còn trong hiện tại, Đức mới là đội lo lắng hơn cả...