Chuyện như vậy cũng đang xảy ra với Cavani-Suarez của Uruguay, những người đã chơi 180 phút mà chưa ghi được bàn nào tại giải đấu. Và ngạc nhiên là nó không giới hạn ở Nam Mỹ, mà còn diễn ra như một xu hướng ở EURO 2020, với Harry Kane ở đội tuyển Anh, với Benzema, Mbappe và Griezmann ở Pháp, với Lewandowski ở Ba Lan. Ở đẳng cấp thấp hơn một chút là với Moreno và Morata tại Tây Ban Nha.
Thật bất thường khi sở hữu một siêu sao ghi tới 40 bàn mỗi mùa bóng cho Barcelona, nhưng Argentina chỉ mới ghi được 3 bàn thắng sau 3 trận đấu. Nó là điều gì đó rất nhỏ bé so với Brazil của Neymar, những người ghi 7 bàn nhẹ nhàng với số trận tương tự. Đáng ngạc nhiên là số 10 của "các vũ công Samba" không được coi là chuyên gia săn bàn ở CLB Paris St Germain nhưng anh luôn tạo ra sự bùng nổ ở Brazil.
Sẽ là xúc phạm nếu cho rằng Lionel Messi ở đẳng cấp thấp hơn Neymar nhưng tại sao ghi bàn lại trở thành nhiệm vụ khó khăn thế với một siêu sao như số 10 của Argentina, và tại sao đội bóng "xứ sở Tango" lại không thể làm điều tương tự Brazil, với những cầu thủ có trình độ như thế.
Chúng ta bắt đầu bằng trận thắng Paraguay đã giúp Albiceleste giành quyền vào tứ kết ngày hôm qua. Ở trận này, Argentina chỉ có 8 cú sút, ít hơn 2 lần so với Paraguay, trong số đó có 4 lần sút trúng đích và ghi được một bàn thắng của Alejando Gomez.
Trận gặp Uruguay, Messi cùng các đồng đội thực hiện 9 cú sút, với số lần sút trúng đích cao hơn (6) và ghi được một bàn khác. Ở trận đầu tiên gặp Chile, Argentina có thể coi là bùng nổ trên hàng công khi sút về phía khung thành của Claudio Bravo tới 18 lần, nhưng con số cuối cùng không thay đổi: Đội bóng này chỉ ghi được 1 bàn.
Các con số trên cho thấy khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng của đội bóng áo sọc xanh trắng là rất thấp, nếu so với Brazil, thì khoảng cách đó là lớn vô cùng. Ở trận gặp Peru, Neymar cùng các đồng đội oanh tạc khung thành đối thủ 17 lần, hơn một nửa trong số đó đi trúng đích (9 lần) và nhà đương kim vô địch Copa có 4 bàn thắng. Trận mở màn gặp Venezuela, ngôi sao của đội bóng thủ đô Paris dẫn đầu các mũi nhọn của Brazil xộc thẳng vào vòng cấm địa của đối thủ, tung ra 18 cú sút, 7 lần trúng đích và ghi được 3 bàn thắng. Nếu so với Argentina, nó sẽ là sự chế giễu nặng nề.
Nếu cho rằng những tính toán đó là sự thô thiển với thể thao, chúng ta trở lại với những điều cơ bản nhất, chất lượng bóng đá của Argentina là không đủ để tạo ra những bàn thắng tương xứng với kỳ vọng hay đơn giản hơn những ngôi sao như Messi chơi kém hiệu quả trước khung thành của đối thủ.
Chúng ta phải thừa nhận một điều tự nhiên khác, các tiền đạo không luôn là những người ghi bàn duy nhất ở trên sân, nó còn là phần việc của các thành viên còn lại. Và Brazil, một lần nữa, lại trở thành chủ thể so sánh với Argentina.
Trong 7 bàn thắng mà họ ghi được trước khi trận đấu với Colombia diễn ra vào sáng ngày mai, hai trong số đó đến từ các hậu vệ là Marquinhos và Alex Sandro, một bàn khác được ghi nhờ công của tiền vệ Everton Ribeiro.
Vấn đề không chỉ là mọi vị trí trên sân của Brazil đều có thể ghi bàn, mà còn cho thấy, đội bóng vàng xanh được tổ chức tốt như thế nào dưới bàn tay của HLV Tite, nó là hệ thống không chỉ mang lại những lợi ích cơ bản là tạo ra bệ phóng để các cá nhân có thể chơi với đẳng cấp cao nhất. Tính tổ chức của Brazil không chỉ giúp Neymar có đủ mọi không gian để sáng tạo và tổ chức trận đấu, mà nó còn bảo vệ số 10, giúp anh ta nhận được sự hỗ trợ và kết nối với các vệ tinh xung quanh tốt nhất. Nghĩa là dù vẫn phụ thuộc vào Neymar nhưng nó là sự chủ động tuyệt đối.
Trong khi đó, Argentina phụ thuộc một cách bị động vào Messi, vào kỹ năng giải quyết hay định đoạt số phận trận đấu của số 10, những gì diễn ra trên sân cỏ cho thấy, Messi luôn đơn độc trong hệ thống bóng đá này, và vấn đề là điều đó không thể sửa chữa sau nhiều năm.