Rác thải nhựa không có khả năng phân hủy sinh học, có thể vỡ thành mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi. Nếu có tác động của ánh sáng mặt trời cũng phải nhiều thế kỷ, nhựa mới có thể phân hủy. Ước tính đến 2025 ở đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn lượng cá.
Trước thực trạng rác thải nhựa đe dọa đại dương và ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác hải sản, một số địa phương trong đó có tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng nhiều tổ chức phi chính phủ triển khai các chương trình, dự án giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh.
Nội dung này được phóng viên thể hiện qua hai bài viết.
Bài 1: Khi ngư dân đem rác về bờ
Cứ mỗi chuyến đi biển về, các tàu cá của Bình Định không chỉ mang cá về bờ mà còn có cả... rác. Mô hình tàu cá đem rác về bờ bán lại cho đơn vị thu gom, phân loại, trở thành nguyên liệu đầu vào của cơ sở tái chế được đánh giá là cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa và phù hợp với địa phương có đội tàu đánh cá lớn như Bình Định. Cách làm này cũng góp phần tích cực trong “cuộc chiến” chống lại ô nhiễm rác thải nhựa đại dương - vấn đề cấp bách toàn cầu đang được thế giới quan tâm.
Thay đổi thói quen - khó nhưng chưa bao giờ muộn
Từ sáng sớm, Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đã tấp nập tàu cập bến, đa số là tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ dài ngày. Điều đặc biệt ở cảng cá này là không chỉ có mối hàng đợi tàu, còn có nhân viên Tổ thu gom rác thải nhựa tàu cá chờ để…mua rác của tàu.
Rác thải của chuyến đi biển được thuyền viên tàu cá BĐ 91052-TS đặt lên cân, sau đó nhân viên Tổ thu gom chuyển lên xe kéo đưa về Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá. Tàu BĐ 91052-TS là một trong số 200 tàu cá đầu tiên của Bình Định thực hiện thí điểm mô hình đem rác thải tàu cá về bờ.
Hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa, mỗi chuyến đi biển của tàu BĐ 91052-TS thường kéo dài 15-20 ngày. Chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng, ông Phan Thanh Trưởng (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn) cho biết, tàu có 12 thuyền viên nên mỗi chuyến đi biển cần chuẩn bị từ 8 - 10 thùng mì tôm, 300 chai nước lọc (loại chai 1,5 lít), nhiều thùng nước giải khát các loại cùng lượng lớn túi đựng, bảo quản hải sản. Lượng rác thải sinh hoạt các loại của tàu khoảng 14kg/chuyến biển. Hầu hết rác thải được thuyền viên...bỏ thẳng xuống vì tiện, vì không có ai nhắc nhở và vì đó là thói quen.
Sinh ra và lớn lên ở biển, gắn bó với những chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương hơn 30 năm từ khi 17 tuổi nên biển như là ngôi nhà thứ hai của ông Phan Thanh Trưởng. Với tổng chi phí đóng mới tàu năm 2009 là 6 tỷ đồng từ tiền tích góp nhiều năm và vay mượn thêm, tàu là tất cả tài sản của gia đình ông. Hải sản được khai thác từ biển đem lại cho gia đình ông cuộc sống no đủ hơn, có của ăn của để, tích lũy cho mai sau.
Thế nhưng theo ông Phan Thanh Trưởng, nguồn lợi hải sản tự nhiên ngày một ít, có những chuyến đi biển thu không đủ bù chi. Từ thực tế khai thác, ông nhận thức rằng ô nhiễm do rác thải chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. “Nhiều năm trước, rác ít thôi, không vào luồng nước hay bít lưới. Bây giờ thì ngày càng nhiều, có khi rác vào lưới, thuyền viên phải lấy vợt xúc cả buổi. Rác, nhất là rác nhựa khiến lưới nặng hơn, kéo lên là bị rách”, ông Phan Thanh Trưởng chia sẻ.
Khi mô hình đem rác thải tàu cá về bờ được triển khai, ông Phan Thanh Trưởng là một trong những chủ tàu đầu tiên ký cam kết tham gia. Không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được hành vi bỏ rác xuống biển đã trở thành thói quen bao đời nay của ngư dân. Gương mẫu để thuyền viên làm theo, ông kiên nhẫn làm từ việc đơn giản nhất là bỏ vỏ gói mỳ tôm vào túi đựng rác, làm bẹp những chai nước uống và thường xuyên nhắc nhở thuyền viên thực hiện cam kết không vứt rác xuống biển. “Mưa dầm thấm lâu”, giờ thuyền viên tàu BĐ 91052-TS đã tự giác thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày, rác vớt được trong quá trình khai thác và những tấm lưới hỏng, bỏ đúng nơi quy định. Giờ đây mỗi khi cập bến, tàu không chỉ có hải sản mà còn có cả những túi rác được sắp xếp gọn gàng.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định đánh giá, ngư dân của 200 tàu đánh cá tham gia mô hình đã có những thay đổi rất tích cực trong nhận thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Mang rác về bờ giờ đã trở thành thói quen mới của ngư dân Bình Định. Tàu cá Bình Định cập bất kỳ cảng nào cũng không quên mang rác về bờ.
Bảo vệ nguồn lợi hải sản tự nhiên
Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với 134km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 36.000km2, Bình Định có đội tàu cá lớn với gần 6.000 tàu có chiều dài từ 6m trở lên, hơn 3.200 tàu khai thác xa bờ, khoảng 45.000 thuyền viên. Các nghề chính của ngư dân Bình Định là câu cá ngừ, mành mực, vây ánh sáng, lưới rê...Kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của tỉnh đạt bình quân 145 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, nguồn lợi hải sản tự nhiên đang có dấu hiệu suy giảm, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, suy giảm nguồn lợi thủy sản có nhiều nguyên nhân như khai thác quá mức trong thời gian dài, suy thoái hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển…), sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm như nghề lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi...
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa cũng là nguyên nhân khiến sản lượng khai thác hải sản suy giảm; đồng thời đẩy các luồng cá ngày càng xa bờ khiến việc đánh bắt khó khăn hơn, nhất là các tàu cá ven bờ. Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản Bình Định vào tháng 7/2023, chỉ riêng Cảng cá Quy Nhơn, mỗi tháng có khoảng 300 tàu cá ra vào đã thải ra đại dương hơn 4 tấn rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, vỏ gói mỳ tôm, chai dầu ăn…), 0,86 tấn nhôm lon (lon bia, lon nước ngọt) và khi vào bờ thải ra 1,75 tấn bao bì đựng, bảo quản hải sản. Với 3.200 tàu đánh bắt xa bờ, rác thải một chuyến đi biển khoảng 14 kg thì mỗi tháng, ngư dân Bình Định sẽ thải ra đại dương khoảng 48 tấn rác thải nhựa.
Được tài trợ từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tháng 11/2023, Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Bình Định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định) phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn triển khai phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn”, giai đoạn 2022 - 2024; trong đó có mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ đối với 200 tàu thường xuyên cập Cảng cá Quy Nhơn.
Triển khai mô hình, UNDP hỗ trợ địa phương xây dựng Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá ngay tại Cảng cá Quy Nhơn, cung cấp trang thiết bị phục vụ phân loại, đóng gói như máy ép rác, hai xe đẩy rác, 10 thùng đựng rác loại 240 lít, 6 xe đựng rác loại 660 lít, túi lưới đựng rác trên tàu cá và đồ bảo hộ lao động cho nhân viên Tổ thu gom rác thải nhựa tàu cá. Đồng thời thành lập Cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Long Mỹ (xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn). Cơ sở có diện tích 1.000m2, được điều hành bởi Công ty Cổ phần môi trường Bình Định, công suất xử lý 2 - 4 tấn nhựa một ngày. Rác thải nhựa sau khi được thu gom, phân loại ban đầu, sơ chế tại Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá sẽ được vận chuyển đến Cơ sở thu hồi vật liệu, tiếp tục được xử lý để trở thành nguyên liệu đầu vào bảo đảm chất lượng cho các doanh nghiệp tái chế.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP đã nghiên cứu mô hình thu gom rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Ở Indonesia, một quốc gia ven biển như Việt Nam, mô hình này đã giúp giảm thiểu đáng kể lượng nhựa thải ra đại dương, hạn chế tác động xấu đến hệ sinh thái biển. Với Việt Nam, mô hình còn góp phần triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Bài cuối: Cách làm riêng phù hợp với địa phương