Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương ven biển cùng các cán bộ, chiến sỹ, đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ mít tinh. |
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2017 được tổ chức với chủ đề ‘‘Vì tương lai của chúng ta’’, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển và hải đảo; xác định ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, góp phần quan trọng vào bảo vệ đại dương của nhân loại.
Theo Phó Chủ tịch nước, năm 2017 là năm đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Đây cũng là năm hướng đến Kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, 35 năm Ngày ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, 15 năm ký tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN và cũng là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà APEC năm 2017. Vì vậy, việc tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo năm nay càng có nghĩa đặc biệt.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh ven biển và đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Cà Mau đến dự buổi lễ. |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo; chủ động bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân; tiếp tục huy động thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển, đảo.
Đảng và Nhà nước ta khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển các ngành khai thác chế biến dầu khí, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ, khai thác có hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên biển…; đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, khu tránh trú bão...
Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng biển đến năm 2050 và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2025 để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua, tạo không gian biển theo giá trị tài nguyên, sinh thái nhằm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển.
Bên cạnh đó cũng cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển, đảo đảm bảo hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống mạng lưới giao thông hàng hải, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng về điện, nước, giáo dục, y tế, phát triển công nghệ thông tin, thu gom xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vùng biển, đảo.
Các địa phương tiếp tục làm tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo gia đình chính sách, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân vùng biển, đảo.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của trái đất và là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng oxy chúng ta hít thở hàng ngày, cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ cho cuộc sống. Đại dương còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa khí hậu cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của các quốc gia có biển.
Tuy nhiên, biển và đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng chủ yếu là do hoạt động của con người. Ngày Đại dương thế giới năm nay có chủ đề ‘‘Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta’’, không chỉ để nhắc nhở mà còn tạo sức mạnh đoàn kết của con người chung tay bảo vệ đại dương, bảo vệ cuộc sống và hành tinh của chúng ta.
Biển và hải đảo có tầm đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Đây là động lực phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, góp phần vào sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa làm cho đất nước giàu mạnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ biên giới chủ quyền.
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản quan trọng trên nhiều mặt nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn; trong đó việc phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam, vẫn còn tình trạng khai thác tài nguyên biển quá mức, dẫn cơ nguy cơ cạn kiệt, làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển, đã xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ sự cố môi trường biển, công tác quản lý tài nguyên - môi trường biển còn tồn tại nhiều bất cập…
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8/6 và triển khai Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2017 chính là dịp để chúng ta cùng cam kết bảo vệ biển và hải đảo, phát huy thế mạnh của biển, đảo và phát triển kinh tế; bảo tồn và giữ gìn giá trị to lớn của biển và đại dương, góp phần vào nỗ lực chung của toàn cầu để bảo vệ đại dương.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu đã tham gia thả tôm, cá giống ra biển để tái tạo nguồn lợi thủy sản và trồng cây xanh tại bãi biển Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau; tặng quà cho đại diện cho chiến sỹ và nhân dân đảo Hòn Chuối (Cà Mau).